Nhiều nơi ở châu Âu đã tiến hành hàng loạt thí nghiệm xã hội xoay quanh giải vô địch bóng đá châu lục đang diễn ra. Những nhóm nghiên cứu có mặt tại địa điểm xem bóng đá “fanzone”, để ghi nhận các dữ liệu quan trọng về khoảng cách chỗ ngồi, số lượng người tham dự.
Họ theo dõi sát sao diễn biến dịch tễ liên tục một tháng sau đó để rút ra kết luận về hiệu quả của vaccine; mô hình chống dịch, giãn cách tối ưu. Có thể nói sự kiện thể thao này là bài test hiệu quả để xem châu Âu đã thực sự khống chế được dịch bệnh hay chưa.
UEFA EURO 2020 tổ chức tại 11 quốc gia khác nhau, vậy là quốc gia nào cũng có cơ hội kiếm thêm thu nhập, trong bối cảnh hoạt động kinh tế mới manh nha trở lại.
Thành phố St Petersburg (Nga) là nơi tổ chức 7 trận đấu thuộc VCK EURO, trong đó có trận đấu cuối cùng của giải. EURO chỉ mới đi được 1/3 chặng đường, nhưng thành phố này đã thu về 4,2 triệu EURO từ các hoạt động dịch vụ du lịch, ăn uống, lưu trú.
Trước đó, chính quyền thành phố đã quyết định mở toang cửa đón khách mà không cần thị thực hay “hộ chiếu vaccine”. Thủ tục cấp thị thực cho các quan chức nước ngoài từ UEFA, các tình nguyện viên, đại diện truyền thông và những người tham gia giải đấu khác sẽ được đơn giản hóa.
Theo dự kiến, thành phố St Petersburg sẽ đón 0,2 triệu lượt cổ động viên, du khách đến cổ vũ bóng đá. Chắc chắn nguồn thu chưa dừng lại ở đó, và hiểm họa dịch tễ chưa lường hết.
Đây là một quyết sách táo bạo của chính phủ Hungary, cho phép sân vận động này được tổ chức các trận bóng đá Euro 2020 với 100% sức chứa, đặc biệt chỉ mới hai tháng trước, quốc gia này còn dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tử vong vì Covid-19.
Tất cả những người vào sân đều được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng dịch, đối với khách quốc tế phải chứng minh âm tính - “hộ chiếu vaccine”. Đương nhiên, thành phố Budapest thu hàng chục triệu USD từ kinh doanh lưu trú, ẩm thực, đồ lưu niệm.
Một số nơi khác như Azerbaijan, Bulgari, Áo và khối Bắc Âu vẫn tổ chức EURO với thái độ thận trọng, lo ngại dịch bệnh sẽ quay đầu bùng phát trở lại.
Khán giả xem EURO năm nay hẳn ít nhất một lần nhìn thấy một thương hiệu xuất hiện hoành tráng, toàn diện trên bảng điện tử ở 11 sân vận động, đó là Tik Tok, không ai khác, chính công ty mẹ ByteDance của ứng dụng video hấp dẫn này là nhà tài trợ “kim cương” cho EURO 2020.
Trong số 12 nhà tài trợ lớn nhất EURO lần này có 4 cái tên đình đám đến từ Trung Quốc, ngoài TikTok còn Hisense, Ali Pay và Vivo. CocaCola, FedEx của Mỹ, Qatar Airways của Qatar. Số còn lại từ châu Âu đó là Volkswagen, Gazprom, Takeaway.com, Booking.com và Heineken.
Sự vươn lên mạnh mẽ của các tập đoàn kinh tế Trung Quốc đồng nghĩa với hiện tượng mất hút của các công ty Nhật Bản và châu Âu (Sony, Toyota, Canon, Shell, Nestle, HSBC, Vodafone, Total, BP, Siemens…, - vốn là những ông trùm chính hiệu trong lĩnh vực tài trợ/kinh doanh ở những sự kiện thể thao lớn.
Đây là vấn đề đặt ra cho kinh tế già cỗi ở châu Âu và Nhật Bản, biểu hiện ở sức mạnh của các tập đoàn đa quốc gia.