Tuy nhiên, đằng sau con số báo lỗ đó còn rất nhiều vấn đề phải tính toán lại.
Thẳng thắn nhìn nhận vào chất lượng của các dự án FDI, cũng dễ nhận thấy khu vực này dễ bị tổn thương trước các cú sốc từ bên ngoài, hay trước những khó khăn của môi trường kinh doanh và đầu tư.
Trước hết các dự án đầu tư FDI hiện nay chủ yếu là quy mô nhỏ, do vậy rất dễ bị ảnh hưởng khi điều kiện thị trường thay đổi, hay khi phải đối diện với những cú sốc như Covid-19. Từ góc độ vốn, tính đến cuối năm 2021, cả nước có 52 dự án đầu tư FDI có vốn đầu tư trên 1 tỷ USD, 31 dự án 0,5 - 1 tỷ USD, 517 dự án 100 - 500 triệu USD, và còn lại hàng chục ngàn dự án FDI vào thời điểm có vốn đầu tư dưới 50 triệu USD (chiếm 96,4% tổng số dự án FDI và 28,94% tổng vốn đầu tư).
Quy mô nhỏ, phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng và thị trường xuất khẩu nên dễ trở thành điểm dễ bị tổn thương của các DN FDI. Chính điều này lại khiến nhiều DN FDI không thể duy trì khả năng sinh lợi khi chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, hay thị trường toàn cầu suy giảm trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành.
Nhiều DN FDI cũng chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực thâm dụng lao động hay các lĩnh vực có yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường thấp. Bộ KH-CN cho biết, công nghệ sử dụng tại các DN FDI hiện nay không quá vượt trội so với DN trong nước. Máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất chủ yếu ở mức độ hiện đại trung bình trong khu vực.
Số DN FDI có công nghệ tiên tiến, hiện đại chỉ khoảng 5%. Cạnh tranh chủ yếu dựa trên các yếu tố lao động giá rẻ, và do vậy khó có thể duy trì được lợi nhuận dương khi các yếu tố bất lợi của thị trường xuất hiện.
Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng các DN FDI báo lỗ hơn 10 năm nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh. Đây là dấu hiệu của tình trạng chuyển giá từ Việt Nam ra nước ngoài của DN FDI. Cách thức chuyển giá điển hình mà các DN FDI thường áp dụng thông qua kê khai cao giá hàng hóa, nguyên vật liệu và cung ứng các dịch vụ hành chính, kỹ thuật, pháp lý trong nội bộ tập đoàn.
Và hiện tượng chuyển giá này cho đến nay các cơ chế kiểm soát cũng không đủ bằng chứng để khẳng định các DN FDI báo lỗ tăng mạnh là do thực hiện các thủ thuật chuyển giá. Việc chuyển giá thường được thực hiện đối với các dự án của các tập đoàn lớn, xuyên quốc gia, có nhiều công ty con, công ty phụ thuộc.
Do vậy con số DN FDI báo lỗ cần được nhìn nhận và đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện hơn, từ đó để có những chính sách hiệu quả hơn để tháo gỡ những hạn chế trong môi trường kinh doanh và đầu tư mà cả DN FDI và DN trong nước gặp phải.
Đó là các giải pháp chuyển đổi chiến lược thu hút vốn đầu tư FDI, nâng cao chất lượng của nguồn vốn này trong mối tương quan với việc phát huy nguồn lực trong nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN FDI, mối liên kết của họ với DN trong nước và đóng góp của khối DN này với các mục tiêu về năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo. Cần chia sẻ khó khăn với DN FDI để họ luôn có tầm nhìn và cam kết dài hạn đối với Việt Nam trong chiến lược đầu tư của mình.
Bên cạnh đó cũng không thể phủ nhận một thực tế là chi phí kinh doanh tại Việt Nam còn rất cao, hệ thống quy định pháp luật, thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ vẫn gây không ít khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, bao gồm các DN FDI.