Có 3 lý do chính cho sự cắt giảm 0,5 điểm % lần này: tình hình lạm phát Mỹ đã hạ nhiệt bền vững; kinh tế Mỹ, đặc biệt là vấn đề việc làm và lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng không được tốt như kỳ vọng; Fed dường như đã hơi chậm so với một số NHTW lớn khác trong việc cắt giảm lãi suất.
4 tác động đối với kinh tế Việt Nam
Thứ nhất, lãi suất toàn cầu có xu hướng giảm sẽ kích cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, giúp kinh tế thế giới giữ đà tăng trưởng và bền vững hơn, giúp kích cầu hàng hóa - dịch vụ, từ đó thúc đẩy nhu cầu hàng xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế ở mức cao.
Hiện tại Mỹ và châu Âu là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam (trong 8 tháng năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 25,4%, chiếm 29%; sang châu Âu tăng 18,5%, chiếm 13% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam…). Cùng với đó, kỳ vọng dòng vốn FDI vào thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam cũng sẽ tăng lên.
Thứ hai, giảm áp lực tỷ giá. Việc Fed giảm lãi suất sẽ khiến đồng USD xuống giá so với hầu hết các đồng tiền khác, trong đó có VNĐ, làm giảm sức ép tỷ giá USD/VNĐ. Thực tế thị trường đã chiết khấu một phần lớn, tỷ giá hạ nhiệt từ mức tăng khoảng 4,9% hồi cuối tháng 5-2024, xuống còn 1,6% vào ngày 18-9. Dự báo tỷ giá USD/VNĐ sẽ chỉ tăng khoảng 1,3-1,7% cả năm 2024.
Việc tỷ giá ổn định hơn góp phần giảm chi phí nhập khẩu. Nghiên cứu năm 2022 về mối quan hệ giữa tỷ giá và cán cân thương mại quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2006-2021, cho thấy mối quan hệ này khá lỏng lẻo, khi tỷ giá biến động tác động không nhiều đến xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Điều này xuất phát từ 2 lý do chính: xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là của khối doanh nghiệp FDI (chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2011-2022); doanh nghiệp và các tổ chức tài chính ngày càng quan tâm, có nhiều công cụ hơn để kiểm soát rủi ro tỷ giá (bao gồm cả các công cụ phái sinh).
Thứ ba, việc điều chỉnh giảm lãi suất của Fed cũng góp phần ổn định mặt bằng lãi suất, giảm chi phí vốn nợ và đầu tư bằng ngoại tệ của doanh nghiệp tại Việt Nam. Việc Fed giảm lãi suất sẽ làm cho lãi suất toàn cầu có xu hướng hạ nhiệt.
Tại Việt Nam, lãi suất ngoại tệ giảm (nhất là đồng USD và EUR), góp phần ổn định mặt bằng lãi suất nói chung trong bối cảnh lãi suất huy động đang tăng, giảm chi phí vốn vay bằng ngoại tệ đối với cả vốn vay cũ và mới (theo NHNN, mức độ đô la hóa hay vay nợ bằng USD của Việt Nam hiện chiếm khoảng 6,4% tổng dư nợ cho nền kinh tế).
Ngoài ra, chi phí vốn vay của Chính phủ và doanh nghiệp FDI bằng ngoại tệ cũng giảm một phần. Điều này vừa góp phần giảm rủi ro nợ vay vừa kích cầu tín dụng, đầu tư trong thời gian tới.
Thứ tư, tác động tích cực đối với thị trường chứng khoán (TTCK) và dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài. Trong 8 tháng năm 2024, TTCK Việt Nam tiếp tục phục hồi dù còn nhiều thách thức. Chỉ số VNIndex hiện đang ở mức 1.283,9 điểm, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 13,6% so với đầu năm.
Tuy nhiên, lũy kế 8 tháng năm 2024 nhà đầu tư (NĐT) ngoại đã bán ròng 64.000 tỷ đồng (2,6 tỷ USD), một phần là do chênh lệch lãi suất USD/VNĐ còn cao thời gian qua.
Khi Fed và NHTW các nước phát triển bắt đầu tiến trình hạ lãi suất, chênh lệch lãi suất sẽ giảm, xu hướng rút vốn từ các thị trường mới nổi (trong đó có Việt Nam) quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác nhằm trú ẩn rủi ro, hưởng chênh lệch lãi suất, sẽ giảm dần.
3 kiến nghị
Việc Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ (giảm lãi suất) cơ bản, sẽ tác động tích cực đối với kinh tế - tài chính thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, tuy nhiên vẫn còn nhiều rủi ro, thách thức khó lường. Do đó, để đảm bảo thực hiện được mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp.
Thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 01 và 02/NQ-CP ngày 5-1-2024; các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, các Nghị quyết, Nghị định, Chỉ thị của Chính phủ gần đây, nhất là sớm khắc phục hậu quả cơn bão số 3 vừa qua; tiếp tục bám sát, chủ động phân tích, dự báo và có kịch bản ứng phó phù hợp đối với tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; đẩy nhanh tháo gỡ vướng mắc, rào cản; tăng cường bình ổn, lành mạnh hóa thị trường tài chính, bất động sản, thị trường vàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cả năm 2024 và tiếp theo.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác), nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá, thị trường tài chính - tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo đó, chính sách tài khóa tiếp tục giữ vai trò chủ lực, mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, tăng khả năng tiếp cận tín dụng gắn với kiểm soát rủi ro và xử lý nợ xấu.
Thứ ba, kiên định chính sách tiền tệ như thời gian qua, trong đó tiếp tục linh hoạt sử dụng nhiều công cụ khác nhau nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại hối, thị trường vàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát trong mục tiêu. Chính phủ tiếp tục ưu tiên các giải pháp nâng hạng TTCK nhằm tận dụng cơ hội dịch chuyển, phân bổ tài sản đầu tư quốc tế cũng như kiểm soát rủi ro trong chu kỳ lãi suất giảm sắp tới.
Chính phủ chỉ đạo, điều hành đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, nhất là lương thực - thực phẩm, điện, xăng dầu... gắn với lộ trình, thời điểm phù hợp khi tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, tăng cường kiểm tra - giám sát thị trường và truyền thông nhằm giảm thiểu đầu cơ, găm hàng và hiện tượng “té nước theo mưa”.