FPT mua 100% vốn công ty CNTT châu Âu

* 5 tháng đầu năm 2014, doanh thu FPT tăng trưởng 26%

* 5 tháng đầu năm 2014, doanh thu FPT tăng trưởng 26%

(ĐTTC) - Ngày 18-6, tại Berlin, Đức, FPT đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn RWE về việc mua Công ty RWE IT Slovakia (công ty thành viên của Tập đoàn RWE).

Theo đó, RWE IT Slovakia sẽ trở thành công ty 100% vốn của FPT Software tại châu Âu và được đổi tên thành FPT Slovakia. Đây là thương vụ mua bán - sáp nhập đầu tiên tại thị trường nước ngoài của FPT nói riêng và lĩnh vực công nghệ thông tin Việt Nam nói chung.

Tham dự lễ ký kết có ông Peter Terium - Tổng Giám đốc của RWE, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT, và lãnh đạo Công ty RWE IT Slovakia, FPT Software.

RWE IT Slovakia được thành lập năm 2004, hiện có trên 400 nhân viên, trong đó phần lớn là các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực SAP. Là đơn vị thành viên của Tập đoàn RWE, RWE IT Slovakia  tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin, đặc biệt là các giải pháp SAP và “Smart Home” cho công ty mẹ.

Cũng theo thỏa thuận trên, RWE sẽ trở thành khách hàng lớn nhất của FPT Software tại thị trường châu Âu với hợp đồng trị giá nhiều chục triệu USD trong vòng 5 năm.

FPT Software kỳ vọng thỏa thuận này không chỉ giúp công ty nâng cao năng lực cung cấp, tư vấn giải pháp SAP và các giải pháp “Smart Home” mà còn giúp mở rộng quy mô khách hàng tại thị trường châu Âu nói riêng và trên thế giới nói chung.

RWE là tập đoàn hàng đầu tại châu Âu trong lĩnh vực cung cấp năng lượng điện và gas, hoạt động tại 29 quốc gia trên thế giới gồm Đức, Anh, Cộng hòa Séc, Slovakia, Hà Lan, Hungary…

RWE đang cung cấp dịch vụ cho trên 30 triệu khách hàng trên toàn châu Âu. Trong năm 2013, với doanh thu 70 tỷ USD và 66.000 nhân viên, RWE là tập đoàn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của khu vực châu Âu. RWE dành ngân sách gần 1 tỷ USD cho các dự án công nghệ thông tin.

Ông Trương Gia Bình cho biết: “Thỏa thuận hợp tác với RWE là bước ngoặt, làm thay đổi vị thế của FPT tại thị trường châu Âu và trên sân chơi toàn cầu. Từ bây giờ, FPT đã có đủ những điều kiện cần thiết để cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin tổng thể và dài hạn cho các công ty hàng đầu trong lĩnh vực hạ tầng (điện, gas, nước…) tại khu vực châu Âu cũng như tại các thị trường phát triển khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản”.

*Kết thúc 5 tháng đầu năm, doanh thu toàn Tập đoàn FPT đạt 12.320 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2013.

Lợi nhuận trước thuế đạt 999 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm 20130 Lợi nhuận sau thuế đạt 817 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2013. Lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ đạt 615 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2013.

Kết thúc 5 tháng đầu năm, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 1.787 đồng/cổ phiếu. Chiến lược Toàn cầu hóa của FPT tiếp tục có kết quả tốt.

Lũy kế 5 tháng, doanh thu từ thị trường nước ngoài đạt 1.100 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2013, tương đương 52 triệu USD. FPT đặt quyết tâm đưa doanh thu từ thị trường nước ngoài đạt 340 triệu USD vào năm 2016 thông qua phát triển tự thân và M&A.

*Trong 2 ngày 13 và 16-5 vừa qua, hơn 300 chuyên gia công nghệ trong nước và quốc tế đã tham gia Ngày Công nghệ FPT với chủ đề “S.M.A.C” tại Hà Nội và TPHCM.

Xu hướng “S.M.A.C” đang mang đến cơ hội tăng trưởng không giới hạn cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam nói chung và FPT nói riêng.

Theo dự báo S.M.A.C của hai hãng nghiên cứu thị trường IDG và Gartner, từ 2015-2016, Social sẽ có 2,18 tỷ người dùng, 34 tỷ USD doanh thu; Mobility tăng số lượng người sử dụng thiết bị di động lên 1,3 tỷ, với 2 tỷ thiết bị kết nối, 735 tỷ USD doanh thu; Big Data sẽ thiếu 4,4 triệu kỹ sư với tổng doanh thu 232 tỷ USD; Cloud sẽ đạt mức 207 tỷ USD doanh thu.

Tại Việt Nam, FPT là một trong những doanh nghiệp CNTT tiên phong trong xu hướng S.M.A.C. Năm 2013 đánh dấu năm đầu tiên FPT có doanh thu từ S.M.A.C, đạt 95 tỷ đồng. Dự kiến năm 2016, doanh thu từ dịch vụ S.M.A.C của FPT sẽ đạt trên 800 tỷ đồng, chiếm hơn 10% doanh thu toàn cầu của Tập đoàn.

*Ngày 21-5, FPT Software cùng Hitachi đã ký kết hợp đồng kinh doanh và cho ra mắt phần mềm quản lý đại học Eduprove.

Eduprove đã được Hitachi triển khai thành công tại 18 trường đại học của Nhật Bản dưới tên thương mại là Uniprove. Với mong muốn phát triển phần mềm này ra các thị trường khác, hãng đã quyết định lựa chọn FPT Software để chuyển giao quyền phát triển và thương mại hóa phần mềm tại Việt Nam, xa hơn nữa là thị trường châu Á.

Eduprove được phát triển dựa trên thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa FPT Software và Hitachi ký kết vào đầu năm 2012.

Theo đó, FPT Software là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất được quyền Việt hóa nội dung, tùy biến các tính năng sử dụng theo nhu cầu của khách hàng trong nước cũng như thương mại hóa phần mềm tại thị trường Việt Nam.

Các tin khác