Gần 300 tuyến đường bị 'bỏ rơi' ở TP.HCM

(ĐTTCO)-TP.HCM hiện có gần 300 dự án khu dân cư bị 'bỏ rơi', dẫn tới việc nhiều nơi hệ thống hạ tầng giao thông xuống cấp nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân và mất an toàn giao thông.
Một số tuyến đường ở TP. Thủ Đức xuống cấp nghiêm trọng.
Một số tuyến đường ở TP. Thủ Đức xuống cấp nghiêm trọng.

Tuyến đường Nguyễn Thị Thập đoạn gần cầu Him Lam (thuộc phường Tân Hưng, quận 7) mặt đường lởm chởm, nhiều ổ gà lớn, nhỏ. Gần đó, ở ngã tư Nguyễn Thị Thập dẫn vào đường Hoàng Trọng Mậu và đường D1, vạch qua đường dành cho người đi bộ đã bị mờ, trời mưa có nơi nước tù đọng.

Theo người dân địa phương, tình trạng này đã xảy ra từ lâu, gây nguy hiểm cho người đi đường do nơi đây đông đúc phương tiện qua lại: "Nước vậy nó dơ, bụi bặm, rồi mưa nước nó ngập nữa chứ. Tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm sớm làm đường lại, làm cống nước cho đàng hoàng cho đừng chảy ra đường nữa, chứ để vậy hoài thì đường hư hoài".

Còn tại TP. Thủ Đức, hàng loạt tuyến đường cũng đang xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được khắc phục sửa chữa. Đơn cử như đường Nguyễn Hoàng thuộc phường An Phú. Tuyến đường dài chỉ hơn 1km nhưng mặt đường trồi sụt, với ổ gà, ổ voi chi chít trên mặt đường. Mùa nắng thì bụi mù mịt, mùa mưa thì nước đọng thành vũng tạo thành cái bẫy khiến nhiều người đi đường té ngã.

Một số người dân cho biết: "Khi nào nước lớn với mưa nè, xe Honda chết máy, xe hơi cũng không đi được".

"Đường Nguyễn Hoàng là tôi thấy là những trận mưa thì xe máy té rất là nhiều. Nhà nước xem xét sửa chữa lại cho người dân để đỡ vất vả".

Tương tự, đường Tiền Lân 1 và Tiền Lân 7 dẫn vào khu dân cư Hoàng Hải (thuộc xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) nhiều năm nay xuống cấp trầm trọng nhưng không ai ngó ngàng. Nhiều đoạn bong tróc nhựa lộ ra từng mảng đá nham nhở, bụi bay mù mịt mỗi khi có phương tiện đi qua. Ngoài ra, do nhiều xe tải chạy vào để đi tắt ra Khu công nghiệp Vĩnh Lộc nên con đường bị cày xới.

Theo ông Trần Quốc Tuấn (Trưởng phòng Quản lý Đô thị huyện Hóc Môn) 2 tuyến đường thuộc quản lý của chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Kinh doanh nhà Hoàng Hải nhưng công ty này đã bị Sở Kế hoạch Đầu tư rút giấy phép kinh doanh từ năm 2018 và pháp nhân cũng không còn nên dẫn đến việc không thực hiện được công tác duy tu bảo dưỡng hàng năm. Hiện UBND huyện Hóc Môn đã có kiến nghị cho phép huyện được tiếp nhận hạ tầng tuyến đường này.

"Huyện cũng đã có kiến nghị nhiều lần các Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng cho phép huyện sẽ tiếp nhận các hạng mục hạ tầng theo hiện trạng thực tế. Trên cơ sở đó, huyện sẽ làm căn cứ cơ sở để đưa vào công tác duy tu bảo dưỡng hàng năm để có thể khắc phục, chỉnh trang các tuyến đường này. Trong thời gian, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp, kiến nghị Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng xem xét vấn đề trên để làm cơ sở sớm khắc phục..”, ông Tuấn nói.

Sở GTVT TP.HCM cho biết, toàn thành phố hiện có gần 300 dự án khu dân cư không còn chủ đầu tư - tức là chủ đầu tư giải thể, không còn pháp nhân khiến công tác duy tu, sửa chữa hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông bị bỏ ngỏ.

Điều này dẫn tới hệ thống hạ tầng giao thông xuống cấp trầm trọng, thiếu an toàn. Ngoài ra, việc kinh phí bảo trì ngành giao thông chỉ khoảng 50%, trong khi đó địa phương còn thấp hơn, khoảng 40% khiến công tác này gặp khó khăn.

Theo ông Võ Khánh Hưng (Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM) về lâu dài, để giải quyết các dự án này đòi hỏi phải có đơn vị quản lý nhà nước tiếp nhận hệ thống hạ tầng, trên cơ sở đó mới có kế hoạch bảo trì và sửa chữa theo quy định.

"Vấn đề kinh phí đầu tư chỉ đáp ứng được ở 1 mức độ nhất định thôi so với định ngạch, cho nên đôi khi có 1 số khu vực tuyến đường cần thiết phải duy tu bảo trì cũng có khó khăn. Muốn giải quyết việc này thì đòi hỏi phải có đơn vị quản lý nhà nước, quản lý hệ thống hạ tầng này, trên cơ sở đó mới có thể bảo trì, sửa chữa", ông Hưng cho biết.

Trước những vướng mắc của các dự án, thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục phân cấp và xác định rõ vai trò của các sở, ban, ngành và địa phương trong quản lý hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông. Đồng thời, các sở ngành tiếp tục hoàn thiện và gắn trách nhiệm với các nhóm, chủ thể quản lý, đối tượng quản lý để khai thác đồng bộ và hiệu quả hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trong thời gian tới.

Các tin khác