Đây là thông tin được đưa ra tại buổi công bố Báo cáo “Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam - Một số phát hiện chính từ điều tra doanh nghiệp năm 2020” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức sáng nay (12/3).
Báo cáo được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát hơn 10.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm vừa qua cho thấy, đại dịch Covid-19 nhìn chung có tác động rất tiêu cực đến doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo đó, trên 87% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”, chỉ 11% doanh nghiệp cho biết “không bị ảnh hưởng gì”. Cả khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Trong số các nhóm doanh nghiệp, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các doanh nghiệp mới hoạt động dưới 3 năm và các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ. Tác động tiêu cực từ dịch Covid -19 với doanh nghiệp ở một số ngành đặc biệt lớn như: các ngành may mặc (97%), thông tin truyền thông 96%, sản xuất thiết bị điện 94%... Doanh nghiệp FDI trong một số ngành có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực cao bao gồm: bất động sản 100%; thông tin truyền thông 97%; nông nghiệp, thuỷ sản 95%…
Covid-19 tác động đến doanh nghiệp tại Việt Nam trên nhiều phương diện. Đa số doanh nghiệp cho biết, dịch đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, tiếp đến là bị ảnh hưởng về dòng tiền và ảnh hưởng tới vấn đề nhân công, người lao động của doanh nghiệp. Chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp đã bị gián đoạn… Ảnh hưởng từ dịch tác động nghiêm trọng tới doanh thu của các doanh nghiệp trong năm 2020. Cụ thể, 65% doanh nghiệp tư nhân và 62% doanh nghiệp FDI cho biết, doanh thu của bị giảm so với năm 2019.
Trước tình hình khó khăn do ảnh hưởng từ dịch các chính sách hỗ và sự đồng hành của Chính phủ được các doanh nghiệp đánh giá cao, nhất là các chính sách tài khóa như: giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng…75% doanh nghiệp cho rằng, các chính sách hỗ trợ của chính phủ là hữu ích. Tuy nhiên, theo cộng đồng doanh nghiệp việc tiếp cận các chính sách vẫn còn nhiều rào cản, do đó cần có chương trình cụ thể để thúc đẩy thực thi các chính sách hỗ trợ đem lại hiệu quả thiết thực.
“Kể cả ngành dệt may và các ngành khác, đặc biệt là ngành du lịch, các doanh nghiệp đang rất thiếu vốn, cũng mong rằng trong gói hỗ trợ tín dụng nên mở rộng và hạn chế các rào cản, đặc biệt là cho doanh nghiệp vay tín chấp. Chúng ta tháo gỡ được việc hỗ trợ về vốn lưu động cho các doanh nghiệp, thì tôi cho rằng sự phục hồi của các doanh nghiệp thì sẽ nhanh hơn. Các gói hỗ trợ về thuế hiện nay cũng đang rất tốt, tôi đề nghị Chính phủ nên tiếp tục hỗ trợ trong năm 2021 này mà thậm chí nó có thể hỗ trợ sang năm 2022”, ông Nguyễn Văn Thời, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG kiến nghị.
Phát biểu tại buổi công bố, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, vấn đề thực thi chính sách bao giờ cũng là khâu yếu nhất. Vì vậy, cần ưu tiên cải thiện năng lực thực thi. Để nâng cao hiệu quả các bộ, ngành, chính quyền các địa phương cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền các chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp. Trong đó, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đầy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện theo hướng đơn giản, dễ thực thiện đối với các doanh nghiệp. Đối với các chính sách đã ban hành, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần chủ động nắm bắt tình hình triển khai, đặc biệt là những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện để điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh kịp thời và các cách thức hỗ trợ phù hợp với các doanh nghiệp ở từng ngành hàng, lĩnh vực và từng giai đoạn. Chú trọng các doanh nghiệp thuộc các ngành bị tổn thương nặng nề bởi dịch covid 19.
“Cần quan tâm hơn nữa các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ bởi khả năng chống chịu kém của các nhóm doanh nghiệp này. Nghiên cứu áp dụng như hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp duy trì được tỷ lệ lao động cao, hỗ trợ chi phí đào tạo tay nghề, nâng cao trình độ cho người lao động. Cần xây dựng chính sách phát trển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung bên ngoài, giảm tình trạng gia công đã kéo dài quá lâu, mặt khác cũng tạo thêm giá trị gia tăng và vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo thêm cơ hội hưởng lợi từ các hiệp định FTA”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.