Gánh nặng cạnh tranh khi xăng, điện tăng

(ĐTTCO) -Như vậy cuối cùng Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện. Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân mới sẽ là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 8,36% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành.
Quyết định này được đánh giá sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của DN. Trao đổi với ĐTTC xung quanh vấn đề này, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cho biết:
Theo đánh giá của tôi, việc tăng giá điện của Bộ Công Thương sẽ gây nên 2 tác động. Thứ nhất, ảnh hưởng đến sản xuất của các DN nói chung. Cách đây ít lâu ngày 2-3-2019, giá xăng cũng tăng thêm 939 đồng/lít, nay lại thêm giá điện tăng chắc chắn khiến giá thành đầu vào tăng thêm, nhất là với những DN sử dụng nhiều điện năng như nhóm dệt may, da giày, ngành thép hay DN sản xuất nhựa…
Song cái khó chính là ở chỗ giá thành đầu vào tăng thêm, nhưng DN lại phải tính toán rất kỹ lưỡng việc tăng giá bán sản phẩm vì trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu như hiện nay. Hơn nữa, những ngành như dệt may, da giày đơn hàng đã ký trước đó cả tháng, cả quý giá đã chốt xong với khách, nay đâu thể lý giải vì giá điện tăng, xăng tăng mà có thể tăng giá bán. 
Gánh nặng cạnh tranh khi xăng, điện tăng ảnh 1 Ảnh minh họa. 
Thứ hai, khi giá điện tăng sẽ kéo theo giá của nhiều dịch vụ tăng, chưa kể có những dịch vụ cũng “tát nước theo mưa”. Chính những yếu tố này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của DN trong bối cảnh kinh doanh gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Sức ép của hàng ngoại nhập đang ngày càng lớn hơn, khi Việt Nam đã và sẽ ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Thêm một gánh nặng, giảm bớt sức cạnh tranh. Lâu dần nếu kinh doanh không có lãi, hoặc có lãi không đáng kể, DN sẽ chia tay thị trường và thực tế này đã xảy ra ở không ít DN Việt Nam. 
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, có ý kiến cho rằng việc tăng giá điện có thể xem như một động lực để DN đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại hơn, thân thiện với môi trường hơn? 
Ông PHẠM NGỌC HƯNG: - Tôi không đồng tình với ý kiến này. Vì ngay từ khi giá điện, xăng chưa tăng lên, hầu hết các DN đều muốn đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại hơn, thân thiện với môi trường hơn.
Bởi khi làm được như vậy giá thành sản phẩm sẽ tốt hơn, chất lượng cao hơn và đặc biệt đảm bảo được các yếu tố thân thiện môi trường, thì việc chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài nước cũng dễ dàng hơn. Song từ mong muốn đến hiện thực hóa cả một khoảng cách không hề nhỏ, vì bài toán nan giải cho nhiều DN đó là tìm vốn ở đâu để đầu tư.
Theo tôi cần phải có chính sách hỗ trợ phù hợp của nhà nước cho DN để có những bước tiến đáng kể trong đổi mới công nghệ. Còn khi tăng giá điện DN chỉ có thể tính toán làm sao tiết kiệm hơn đôi chút, nếu được thì phải tăng giá thành sản phẩm, nếu không phải chịu giảm lợi nhuận. 
Ngay cả việc một số cán bộ của ngành Công Thương có so sánh giá bán điện của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới, theo tôi cũng chưa phù hợp. Chúng ta cần xây dựng mức giá theo đặc thù kinh tế của Việt Nam, cũng như phải tính toán đến tình hình sản xuất kinh doanh của các DN. Cho đến nay tại Việt Nam điện vẫn là ngành kinh doanh độc quyền, nên những lý giải về việc tăng giá điện vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục.
Vì lẽ đó trong tương lai cần có sự minh bạch trong giá điện, từ chi phí đầu vào, duy trì bộ máy, chi phí truyền tải, hao hụt... Đồng thời, cần có thêm sự tham gia của nhiều công ty tư nhân đủ năng lực trong lĩnh vực này để đảm bảo tính cạnh tranh.
- Xin cảm ơn ông.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam: 

Giá thép sẽ tăng 100.000 đồng/tấn

Thép là ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng bao gồm điện, than và dầu khí chính vì thế quyết định tăng giá điện của Bộ Công Thương lên 8,36% từ ngày 20-3-2019 trở đi chắc chắn có ảnh hưởng đến các DN trong ngành.
Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng lên các DN có khác nhau. Với những DN sử dụng nhiều điện như luyện thép bằng lò điện hồ quang hoặc lò cảm ứng sẽ ảnh hưởng nhiều hơn. Còn những DN chỉ sử dụng điện nhiều trong giai đoạn cán và gia công sau cán sẽ bị ảnh hưởng ít hơn.
Theo tính toán của Hiệp hội thép Việt Nam, khi tăng giá điện chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ phải tăng thêm và mức tăng sẽ vào khoảng 100.000 đồng/tấn. Vẫn có ý kiến cho rằng ngành thép công nghệ còn lạc hậu nên tiêu tốn nhiều điện năng.
Song nhận xét ấy chỉ đúng với 10 năm trước đây, còn những năm gần đây hầu hết các DN đều đầu tư những nhà máy lớn với công nghệ tiên tiến, hiện đại ít tiêu hao năng lượng trong đó có điện năng. 
Ngành thép trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay cũng đang đứng trước sức ép cạnh tranh rất lớn, nên việc nâng cao năng lực của ngành luôn cần đặt ra các DN mới có thể tồn tại và phát triển được.
Một vài khó khăn của ngành có thể kể đến trong thời gian gần đây như đang phải đối mặt với diễn biến giá nguyên vật liệu trên thế giới tăng ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm thép Việt Nam (do ngành công nghiệp thép Việt Nam phụ thuộc nhiều từ nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu).
Ngoài ra những năm gần đây chủ nghĩa bảo hộ đang lan tỏa rất mạnh, các thị trường xuất khẩu chính của thép Việt Nam như ASEAN, EU, Mỹ đều dựng lên các hàng rào phòng vệ thương mại, làm khó khăn cho thép Việt Nam khi xuất khẩu. 

Các tin khác