GDP: Ấn tượng và băn khoăn

(ĐTTCO) - Chỉ số tăng trưởng GDP của 9 tháng năm 2018 cao nhất trong vòng 8 năm qua là một con số ấn tượng, nhưng số DN tuyên bố phá sản hoặc đóng cửa cũng tăng lại khiến cho dư luận băn khoăn.
GDP: Ấn tượng và băn khoăn
Cụ thể, trong 9 tháng cả nước có 96.611 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 963.4000 tỷ đồng, tăng 2,8% về số DN và tăng 6,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.
Trong khi đó số DN tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng năm 2018 là 73.1000 DN, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 23.053 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24,6% và 50.050 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 62,3%.
Số DN hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng là 11.536 DN, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Như vậy, tính chung 9 tháng, số DN thuộc diện “khai tử”, “chết lâm sàng” lên đến hơn 84.500 DN.
Ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) nhận xét, số DN phá sản hoặc đóng cửa chủ yếu rơi vào khu vực các DN nhỏ và vừa. Trong thời gian qua, các DN Việt Nam phá sản cũng như tốc độ thành lập mới có tỷ lệ là 45:55, nghĩa là cứ 45 DN phá sản thì có 55 DN thành lập mới. DN nhỏ và vừa hiện chiếm từ 75-80% trong nền kinh tế, được xem là “xương sống” của nền kinh tế, nên khi con số DN phá sản hoặc tạm dừng hoạt động tăng cao Chính phủ cần phải xem xét lại vấn đề này. 
Ông Giám cho rằng, ngoài nguyên nhân khiến cho tỷ lệ DN ngừng hoạt động hoặc phá sản cao phần lớn rơi vào các DN nhỏ và vừa là do khó khăn về hành lang pháp lý hay thiếu chính sách hỗ trợ từ Chính phủ thì nguyên nhân quan trọng nhất là “kỹ năng sinh tồn” của các DN trong thời đại kỹ thuật số, nhất là khi thế giới đang bước vào “Cách mạng công nghiệp 4.0”.
Có thể thấy một số DN phá sản vì chọn sai mô hình kinh doanh hoặc DN hoàn toàn phụ thuộc vào người đứng đầu DN, nên khi họ đưa ra chiến lược sai thì DN sẽ phải trả giá. 
Nhìn nhận ở góc độ vĩ mô, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng đang có sự mâu thuẫn giữa tăng trưởng GDP và phát triển DN. Mâu thuẫn dễ thấy nhất là tại sao tăng trưởng kinh tế lại không đi đôi với phát triển DN, mà số DN phá sản hay dừng hoạt động lại gia tăng? Đây là câu hỏi Chính phủ cần phải trả lời và phải giải quyết được vấn đề này.
Việc Quốc hội thường đưa ra mục tiêu tăng trưởng trên cơ sở Chính phủ trình. Do đó, nên chăng sau khi đã đặt ra chỉ tiêu cho Chính phủ, Quốc hội cũng phải giám sát toàn bộ hệ chỉ tiêu và phải đánh giá kèm với các chỉ tiêu khác như về chất lượng, hiệu quả... 

Các tin khác