Tại tỉnh Tiền Giang, dù cát ở giá cao nhưng nhiều doanh nghiệp thiếu hàng để cung ứng cho khách hàng, nhiều công trình xây dựng bị tạm ngưng do thiếu nguồn cấp san lấp mặt bằng. Đặc biệt, nguồn cát từ các tỉnh miền Đông Nam bộ hầu như hết nguồn do các mỏ cát tạm ngưng hoạt động.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng vùng, giá cát sỏi lòng sông tăng cao do bước vào cao điểm mùa khô, nhiều công trình xây dựng có sử dụng cát nhiều, nhất là các dự án xây dựng các công trình quốc gia như: dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận; cầu Mỹ Thuận 2… Trong khi đó, các tỉnh đầu nguồn như: Đồng Tháp, An Giang và tỉnh Đồng Nai đang hạn chế hoạt động các mỏ cát. Nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long siết chặt tình trạng khai thác cát trái phép nên dẫn đến “cầu vượt cung”.
Cát khan hiếm, giá cát tăng cao là gánh nặng đối với người tiêu dùng và ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình trọng điểm. Do đó, việc thăm dò trữ lượng cát trên hệ thống sông ngòi để cấp giấy phép khai thác các mỏ cát là vẫn đề cần thiết.
“Cát xây, cát lấp đều lên giá. Tại mỏ, giá cát lấp 85.000 đồng/khối về đây bán 140.000 đồng – 160.000 đồng/khối. Giá lên so với trước Tết bình quân 40.000 đồng/khối. Bây giờ cát khó mua hơn nhiều, các tỉnh thượng nguồn như Đồng Tháp, An Giang do mỏ không còn, những cây cần (cạp cát) đã hết hạn, hết giấy phép rút vô, còn sà lan không rút mới nằm tài. Hồi trước 100 chiếc chia ra 10 cần cẩu, bây giờ 100 chiếc còn 5 cần, nên khan hiếm. Giá cát tăng thì người dân, người tiêu dùng chịu thiệt thòi nhất. Doanh nghiệp thì mua đắt bán đắt, giá đắt người ta vẫn phải xài”, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải Phú Hào, tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết.