Dòng tiền thận trọng
Những phiên giao dịch trong tuần qua, dù VN Index liên tục ghi điểm, nhưng thị trường vẫn đứng trước khá nhiều rủi ro bởi tác động từ tình hình vĩ mô bên ngoài. Đơn cử, rủi ro liên quan đến chính sách tiền tệ thắt chặt trong bối cảnh diễn biến lạm phát toàn cầu khó lường. Lạm phát toàn cầu dẫn dắt bởi giá năng lượng và lương thực neo cao, do chịu tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine.
Yếu tố này cộng với nguy cơ lạm phát trong nước đã trở thành lực cản lớn đối với đà tăng của thị trường, trong bối cảnh dòng tiền ngày càng thận trọng.
Theo thống kê, giá trị giao dịch bình quân của sàn HoSE trong tháng 5 thông qua giao dịch khớp lệnh tiếp tục giảm 33% so với tháng 4, đạt 13.822 tỷ đồng. Đây là mức thanh khoản thấp nhất tính theo tháng kể từ tháng 2-2021 đến nay.
Một trong những yếu tố khiến dòng tiền thận trọng, xuất phát từ nhận định cho rằng giá CP không còn hấp dẫn, khiến cơ hội tăng giá không còn nhiều. Đây chính là lý do khiến các tổ chức trong nước và cả nhà đầu tư (NĐT) cá nhân đua nhau bán ròng trong tháng 5.
Cụ thể, tổ chức trong nước bán ròng với giá trị lên đến 2.698 tỷ đồng, còn NĐT cá nhân bán ròng 2.651 tỷ đồng. Trong khi đó, khối ngoại đang thực hiện mua ròng. Đáng chú ý, động thái bán ròng trong tháng 5 đã đẩy tỷ trọng NĐT cá nhân trong cơ cấu giao dịch của thị trường xuống xấp xỉ 81,3%, mức thấp nhất trong hơn 1 năm trở lại đây.
Như vậy, sau thời gian dài “song hành”, dòng tiền của những tổ chức trong nước đã ngược chiều so với dòng tiền của khối ngoại. Trước đó, 2 nhóm đầu tư lớn này bán ròng khi chỉ số VN Index dao động quanh mức cao thời điểm đầu năm 2022, sau đó cùng mua ròng từ tháng 4 khi chỉ số giảm mạnh.
Các nỗ lực giúp cải thiện tính minh bạch TTCK của Chính phủ nhằm đạt các tiêu chuẩn để được nâng hạng thị trường mới nổi, chính là điểm cộng trong việc thu hút dòng vốn ngoại trong thời gian vừa qua. |
Khối ngoại trở lại
Theo thống kê, khối ngoại duy trì vị thế mua ròng trong tháng 5 với giá trị mua ròng đạt 1.007 tỷ đồng, thông qua giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE. Các mã CP và chứng chỉ quỹ được NĐT nước ngoài mua ròng mạnh nhất có thể kể đến, như FUEVFVND (mua ròng 612 tỷ đồng), NLG (468 tỷ đồng), DPM (464 tỷ đồng), CTG (428 tỷ đồng), DCM (331 tỷ đồng).
Động lực mua vào của khối ngoại xuất phát từ quan điểm cho rằng, mặt bằng giá CP đã chạm đáy sau đợt suy giảm kéo dài suốt 2 tháng trước đó của VN Index. Đợt suy giảm này đưa Việt Nam vào Top 3 TTCK giảm mạnh nhất thế giới trong 2022, chỉ sau Hungary và Nga.
Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), dòng vốn vào ròng mạnh mẽ trong tháng 5 được dẫn dắt bởi một số dòng vốn lớn, như Fubon FTSE Vietnam ETF (quỹ ngoại) và VFMVN Diamond ETF (quỹ nội). Về phía quỹ ETF nước ngoài, iShares MSCI Frontier and Select EM ETF ghi nhận rút ròng lớn nhất 17,8 triệu USD, trong khi Fubon nhận được dòng vốn ròng 474,4 triệu USD.
Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), dòng vốn vào ròng mạnh mẽ trong tháng 5 được dẫn dắt bởi một số dòng vốn lớn, như Fubon FTSE Vietnam ETF (quỹ ngoại) và VFMVN Diamond ETF (quỹ nội). Về phía quỹ ETF nước ngoài, iShares MSCI Frontier and Select EM ETF ghi nhận rút ròng lớn nhất 17,8 triệu USD, trong khi Fubon nhận được dòng vốn ròng 474,4 triệu USD.
Các quỹ ngoại khác cũng ghi nhận rút ròng như FTSE Vietnam ETF (2,8 triệu USD), KIM KINDEX Vietnam VN30 ETF (17 triệu USD). Trong số các quỹ ETF trong nước, VFMVN Diamond ETF chứng kiến dòng vốn vào ròng đáng chú ý (130 triệu USD). Các quỹ còn lại ghi nhận dòng vốn vào ròng nhưng chỉ ở mức 1 con số.
Theo thống kê của CTCK Sài Gòn (SSI), tổng dòng vốn ETF trong tháng 5 bơm ròng gần 4.900 tỷ đồng, nâng tổng giá trị dòng vốn lũy kế từ đầu năm lên 6.700 tỷ đồng, mức cao thứ 2 của giai đoạn 5 tháng đầu năm trong các năm trước đó (chỉ sau con số 13.100 tỷ đồng trong năm 2021).
Kỳ vọng dòng tiền mới
Việc khối ngoại quay sang mua ròng dù chưa đủ mạnh nhưng cũng tạo nên sự kỳ vọng vào dòng tiền mới, và quan trọng là tín hiệu cho thấy giá CP đang ở mức hấp dẫn dưới góc nhìn của những NĐT chuyên nghiệp.
Theo VDSC, các quỹ ETF như DCVFM VN Diamond hay Fubon FTSE có thể duy trì được trạng thái hút ròng trong ngắn hạn, nhờ các yếu tố nội tại TTCK Việt Nam vẫn đang hấp dẫn hơn tương đối so với một số nước trong khu vực. Tại ngày 3-6, mức định giá P/E năm 2022 của VN Index 13,9x, với tăng trưởng EPS dự phóng năm 2022 là 18%.
Hơn nữa, việc VNĐ đang mạnh hơn so với đồng tiền nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Thái Lan và Đài Loan, cũng là yếu tố tích cực hỗ trợ xu hướng hút ròng của các quỹ ETF tại các thị trường này.
Tương tự, theo báo cáo phân tích mới nhất về TTCK vừa được phát hành bởi SGI Captial, Việt Nam là thị trường hiếm hoi nhận được dòng tiền từ khối ngoại mua ròng mạnh mẽ trong 2 tháng qua. Đây là hiện tượng trái ngược so với áp lực rút vốn khỏi nhiều thị trường, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ. Những nền tảng vĩ mô vững chắc và triển vọng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam khác biệt và những chính sách giúp thị trường minh bạch hơn, chính là điều kiện cần cho thị trường vốn phát triển hiệu quả, hấp dẫn các dòng vốn lớn tiếp tục tìm đến.
Cũng theo SGI Captial, sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam còn đến từ mức định giá P/E của thị trường hiện tại chưa tới 14x, thậm chí 12,5x nếu tính tới thời điểm cuối năm. Những hoạt động chấn chỉnh thị trường tài chính vừa qua có thể đã tạo ảnh hưởng tâm lý ngắn hạn lên NĐT trong nước, khiến VN Index rơi vào top các thị trường giảm mạnh nhất thế giới.
Trong khi đó, TTCK các nước khác trong khu vực như Indonesia, Philippines, Thái Lan đang duy trì xu hướng tăng dài hạn và hiện chỉ điều chỉnh giảm 3-5% so với đỉnh.
Ngoài sự trở lại của dòng vốn ngoại, TTCK còn đón nhận tín hiệu khá tích cực từ NĐT trong nước. Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký CK (VSD), NĐT trong nước đã mở mới 476.455 tài khoản CK trong tháng 5, gấp đôi so với tháng trước và là con số kỷ lục trong lịch sử.
Lượng tài khoản mở mới của NĐT nội trong tháng vừa qua thậm chí còn cao hơn 200.000 tài khoản so với đỉnh cũ lập được vào tháng 3. Lũy kế đến hết tháng 5, NĐT trong nước mở mới tổng cộng hơn 1,38 triệu tài khoản, gần bằng con số cả năm 2021 là 1,53 triệu tài khoản.