Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2019 tăng 0,28% so với tháng trước, tăng 1,87% so với tháng 12-2018 và tăng 2,26% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bình quân 8 tháng năm 2019, CPI tăng 2,57% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng trong tháng 8, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất 2,81% (dịch vụ y tế tăng 3,64%).
Nhóm giáo dục tăng 0,57% do một số địa phương thực hiện tăng học phí năm học mới 2019-2020.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,33%, chủ yếu do nhóm nhà ở thuê tăng 0,43%; chỉ số giá điện tăng 0,33%; chỉ số giá nước tăng 0,28%.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,24%, trong đó nhóm lương thực tăng 0,31%; thực phẩm tăng 0,29%.
Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,09%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,03%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,14%.
Ba nhóm có chỉ số giá giảm là giao thông giảm 0,46%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,06%; bưu chính viễn thông giảm 0,05%.
Theo lý giải của Tổng cục Thống kê, nguyên nhân khiến CPI tháng 8-2019 tăng là do giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường. Theo đó, chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 3,64% góp phần tăng CPI chung 0,14%.
Bên cạnh đó, CPI tháng 8 tăng còn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Cụ thể, nguồn cung thịt lợn giảm (tính đến ngày 20-8-2019 tổng số lợn bị tiêu hủy khoảng 4,4 triệu con), làm cho giá thịt lợn tháng 8-2019 tăng 0,89% so với tháng trước, tác động đến CPI chung tăng 0,04%.
Thời tiết nắng nóng kéo dài tại một số địa phương nên nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng làm cho chỉ số giá điện tăng 0,33%, chỉ số giá nước tăng 0,28% so với tháng trước.
Về lạm phát cơ bản tháng 8-2019 tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 1,95% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 1,9% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.