Hiện giá gạo 5% tấm của Việt Nam dao động từ 658 - 663 USD/tấn. Với mức giá này, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn đang có giá cao nhất thế giới.
Theo đại diện Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương, các quốc gia như Philippines, Indonesia có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn. Trong khi đó, quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới là Ấn Độ tiếp tục kéo dài lệnh hạn chế xuất khẩu gạo đến năm 2024. Điều này dẫn đến việc gia tăng lượng dự trữ gạo, đẩy giá gạo xuất khẩu tăng.
"Sang năm 2024, nếu Ấn Độ nới lỏng hoặc chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu gạo thì giá gạo có thể đi xuống và trở lại mức như trước đây. Tuy nhiên tại thời điểm này, giá gạo sẽ còn duy trì ở mức cao", ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết.
Việc giá gạo xuất khẩu tăng đã giúp xuất khẩu gạo đạt nhiều kết quả tích cực. Từ đầu năm đến nay, cả nước xuất khẩu 7,37 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 4,15 tỷ USD, vượt kết quả xuất khẩu gạo của cả năm 2022. Bộ Công thương cho biết vẫn kiểm tra, giám sát hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp theo Chỉ thị số 24 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo bền vững.
"Duy trì sản xuất một cách bền vững, cũng như tạo ra các giống lúa gạo có thể chống hạn, chống mặn, đem lại giá trị cao. Đó cũng là mục tiêu chúng ta cần hướng đến từ lâu dài để hạt gạo xuất khẩu từ Việt Nam đem lại được nhiều lợi ích kinh tế hơn", ông Trần Thanh Hải cho biết thêm.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt khoảng 4,5 tỷ USD và là mức cao nhất từ trước đến nay. Do đó, các doanh nghiệp cần nắm rõ biến động tại các thị trường nhập khẩu để có định hướng thu mua các đơn hàng; ngoài ra, lựa chọn thời điểm phù hợp để ký hợp đồng xuất khẩu gạo.