Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa ở một siêu thị tại TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Nguồn cung ứng chưa giảm giá
Số liệu giá cả hàng hóa nhập về các chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM cho thấy, nhiều mặt hàng rau củ quả, thịt cá tươi sống đã cơ bản giảm nhẹ. Đơn cử, so với 20 ngày trở lại đây, giá su su Đà Lạt giảm 8,43%, bắp cải giảm 12,12%, thịt heo các loại giảm từ 6%-7%...
Tuy nhiên, ghi nhận từ các chợ truyền thống, quầy tạp hóa hay quán ăn, giá cả gần như không giảm. “Hiện các loại cá biển, một số loại rau từ Đà Lạt về tăng khoảng 10% so với 10 ngày trước”, anh Hoàng Văn Khừ, chủ quán ăn các món đồng quê trên đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp, cho hay. Chị Nguyễn Thị Vui, chủ quán ăn Biển Quê (kế bên quán của anh Khừ), cũng nói, dù giá xăng dầu giảm nhưng giá hàng hóa nhập về không giảm. “Bạn hàng ở miền Trung kể do biển động nên không có hàng hải sản. Còn xe chở hàng giá cước vẫn cao nên nhiều loại hàng nhập về còn lên giá chứ không giảm”, chị Vui chia sẻ.
Qua ghi nhận, mức giá nhập vào của các chợ đầu mối từ đầu năm đến nay tăng bình quân 10%, nhưng khi về đến chợ truyền thống, quầy tạp hóa rồi vào đến quán ăn thì tăng lên tới khoảng 30%. Nhiều tiểu thương lý giải do chi phí các khâu vận chuyển, nhân công tăng dẫn đến giá cả hàng hóa tăng theo.
Nhiều hàng hóa trên kệ vẫn giữ giá khi giá xăng dầu đã hạ nhiệt. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trong khi đó, ghi nhận tại hầu hết siêu thị, giá các mặt hàng vẫn ổn định, thậm chí giảm nhẹ. Tại hệ thống đại siêu thị GO!, BigC, các mặt hàng thực phẩm tươi sống đã hạ nhiệt, có loại giảm giá tới 30%, như thịt heo giảm giá 3%-6%, cá hồi giảm 30%… so với thời điểm tăng giá xăng dầu. Còn hầu hết các mặt hàng thiết yếu khác vẫn giữ nguyên giá bán sau khi giá xăng dầu giảm ngày 3-10. Đại diện hệ thống siêu thị Co.opmart, MM Mega, Emart… cho biết, hiện vẫn đưa ra chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng chứ chưa có kế hoạch giảm giá, vì nhà cung ứng vẫn chưa có động thái điều chỉnh giá giảm từ khi giá xăng dầu giảm. “Dù xăng dầu nhiều lần giảm giá sâu nhưng các nhà cung cấp vẫn chưa điều chỉnh giảm giá bán. Hiện chúng tôi đang đàm phán với nhà cung cấp để đưa về mức giá hợp lý. Trước mắt, chúng tôi tung các chương trình khuyến mãi giảm giá hàng hóa để hỗ trợ người tiêu dùng”, ông Lê Hữu Tình, Quản lý cấp cao marketing Emart Gò Vấp, cho biết.
Phụ thuộc giá nguyên liệu đầu vào
Báo cáo cập nhật tình hình giá tháng 9-2022 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 9 tăng 0,18% so với tháng trước, làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung tăng 0,06%. Trong đó, giá lương thực giảm 0,08%, các loại thực phẩm khác lại tăng 0,16%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,32%... Dự báo, các tháng cuối năm, giá cả nhóm hàng thực phẩm có thể tiếp tục tăng do nhu cầu tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào chưa có xu hướng giảm.
Liên quan đến việc hàng hóa chưa giảm giá, nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối cho biết, để đảm bảo giá hàng hóa cung ứng ra thị trường bình ổn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chứ không chỉ đến từ xăng dầu. Đơn cử, với thực phẩm, để sản xuất cần có nguyên liệu. Hiện nhiều doanh nghiệp ở TPHCM phụ thuộc vào 2 nguồn là tự sản xuất trong nước và nhập khẩu. Về nhập khẩu bị ảnh hưởng rất lớn bởi giá nhập vào tăng, chi phí vận chuyển quốc tế tăng từ 5-15 lần, tùy vùng vận chuyển. Còn nguyên liệu trong nước, sau dịch Covid-19, dù việc nuôi trồng dần phục hồi, nông dân quay lại sản xuất nhưng thực tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Do đó vẫn có thời điểm, một số mặt hàng sản xuất lương thực thực phẩm thiếu và chưa kịp thời. “Giá hàng hóa đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố, gồm chi phí vận chuyển, bao bì, vật tư, điện, nước… Các chi phí này chưa có dấu hiệu giảm giá nên nhiều loại thực phẩm và hàng hóa còn neo giá cao”, giám đốc một doanh nghiệp chế biến thực phẩm, phân trần.
Để giữ ổn định thị trường, các chuyên gia cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa.
Kịp thời báo cáo các trường hợp tăng giá bất hợp lý Nhằm đảm bảo nguồn cung, giá cả, UBND TPHCM vừa có chỉ đạo về việc triển khai các giải pháp quản lý điều hành giá các tháng cuối năm 2022. Theo đó, các sở, ngành chủ trì, hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ kê khai giá các mặt hàng theo thẩm quyền; thường xuyên theo dõi, kịp thời báo cáo UBND TPHCM các trường hợp tăng giá bất hợp lý của các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá trên địa bàn. Sở Tài chính theo dõi diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp; chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường phục vụ kịp thời yêu cầu các chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài chính và thành phố. Cùng với đó, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Công thương và các sở ngành liên quan tham mưu UBND TPHCM công tác quản lý giá đối với mặt hàng tham gia Chương trình bình ổn thị trường của thành phố. Sở Công thương tăng cường theo dõi sát diễn biến cung cầu các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu; chủ trì phối hợp các sở ngành thực hiện chương trình bình ổn thị trường, nhất là với các mặt hàng lương thực, thực phẩm; phối hợp Sở Tài chính tham mưu kịp thời cho thành phố các giải pháp cân đối cung cầu thị trường, quản lý, điều hành giá. |