Giá nguyên liệu nhựa tăng mạnh, doanh nghiệp lao đao

(ĐTTCO) - Từ đầu tháng 3 đến nay, nhiều công ty sản xuất mặt hàng nhựa đã phải gửi thông báo tăng giá đến khách hàng. Nguyên nhân mà các doanh nghiệp (DN) đưa ra là do sự đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu nhựa từ Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc. 

Khó khăn này cộng với việc thiếu container rỗng để vận chuyển đã khiến giá thành nguyên liệu nhựa tăng mạnh. 

Công ty TNHH SX-TM Cát Thái duy trì ổn định đơn hàng dù giá nguyên liệu nhựa tăng mạnh

Công ty TNHH SX-TM Cát Thái duy trì ổn định đơn hàng dù giá nguyên liệu nhựa tăng mạnh

Tăng hơn 30%

Điển hình là trường hợp của Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen. Trong thông báo gửi đến khách hàng ngày 10-3, đại diện tập đoàn này đã tăng giá ống nhựa và phụ kiện PVC thêm 30% so với giá thành trước đây. Lý giải, DN cho biết, giá thành nguyên liệu nhựa đã liên tục tăng mạnh từ quý 4-2020 đến nay. Cùng hoàn cảnh, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Bình Minh, cho biết, hiện DN chưa dám công bố kế hoạch hoạt động năm 2021 bởi giá nguyên liệu tăng chóng mặt từ đầu quý 4-2020 đến nay. Sự khủng hoảng này có nguyên nhân từ việc có đến 60% nguồn nguyên liệu nhựa phục vụ sản xuất trong nước là nhập khẩu. Trong khi đó, hoạt động sản xuất, vận chuyển nguyên liệu nhựa ở các thị trường vốn là nơi mua hàng của DN Việt lại đang gặp khó khăn.

Thông tin khảo sát từ Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho thấy, châu Á là khu vực sử dụng nguyên liệu nhựa lớn nhất thế giới nhưng nguồn cung tại chỗ chỉ đáp ứng hơn 70% nhu cầu. Nguồn cung còn lại phải lấy từ châu Âu và Trung Đông. Tuy nhiên, từ quý 4-2020, nguồn cung tại thị trường châu Âu và Trung Đông gián đoạn do hoạt động logistics bị ngưng trệ. Các lệnh phong tỏa quốc gia hoặc do thắt chặt công tác kiểm soát dịch bệnh đã khiến việc giao thương của DN bị kéo dài, tình trạng thiếu container rỗng trở nên nghiêm trọng và chi phí vận chuyển vì vậy cũng tăng cao. 

Với thị trường cung ứng nguyên liệu nhựa lớn nhất ở châu Á là Trung Quốc, lại gặp tình huống khó khăn khác. Trong tháng 2, nhiều nhà sản xuất tại nước này nghỉ lễ kéo dài. Điều này cộng với việc gián đoạn hoạt động vận chuyển tại châu Âu và Trung Đông đã làm cho nguồn cung nguyên liệu nhựa trong nước giảm mạnh. 

Trước tình hình này, nhiều DN trong nước đã phải tìm nguồn hàng thay thế tại Thái Lan và Indonesia. Thế nhưng, nắm bắt được tình trạng khan hiếm nguồn cung nguyên liệu nhựa trên thị trường, nhiều DN tại 2 nước này đã không ngừng tăng giá hàng. Từ đầu năm đến nay, những nhà cung ứng nguyên liệu nhựa tại Indonesia đã tăng giá bán 4 lần. Ước tính giá nguyên liệu nhựa trên thị trường đã tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. 

Cải tiến, nâng chất lượng sản phẩm

Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp nhựa Việt Nam, tăng trưởng ngành nhựa được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức 6,5% giai đoạn 2019-2023. Hai mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu giá trị ngành nhựa Việt Nam là mảng nhựa bao bì và nhựa xây dựng vẫn được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng chính của ngành. Vậy làm sao đạt được mục tiêu này trong bối cảnh giá nguyên liệu nhựa tăng cao? 

Ông Lê Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH SX-TM Cát Thái, chia sẻ, các DN FDI đầu đàn thường chỉ định những đối tác cung ứng nguyên vật liệu sản xuất cho DN hỗ trợ nằm trong chuỗi cung ứng của mình. Các DN này được phép điều chỉnh giá bán nguyên liệu nhưng phải theo quy tắc 3 tháng/lần. Khi DN FDI đầu đàn chấp nhận sự điều chỉnh giá của các nhà cung ứng nguyên liệu đồng nghĩa với việc điều chỉnh giá thu mua sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các DN sản xuất trong chuỗi cung ứng. Điều này sẽ loại bỏ rủi ro, sản phẩm tăng giá và không tìm được người mua. Tuy nhiên, muốn được vậy, DN cần nỗ lực cải tiến, nâng chất lượng sản phẩm để có đủ năng lực gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn lớn.

Ở góc độ khác, các DN có thị phần tiêu thụ không nằm trong chuỗi cung ứng thì cần nỗ lực chuyển đổi công nghệ sản xuất, đồng thời, chủ động nắm bắt và theo sát diễn biến thị trường. Trước mắt, trong trung hạn, việc tìm nguồn nguyên liệu sản xuất vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Hiện Bộ Công thương đã giao các tham tán thương mại mở rộng tìm kiếm thị trường cung ứng nguyên liệu sản xuất, trong đó có nguyên liệu nhựa cho DN trong nước, giúp các DN đa dạng thị trường nhập khẩu nguyên liệu. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cho biết, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã phục hồi sau đợt nghỉ lễ kéo dài, dự kiến sẽ giảm nhiệt khan hiếm nguồn nguyên liệu nhựa trên thị trường trong tháng tới. Ngoài ra, bộ đang làm việc với các cơ quan chức năng để tháo gỡ khó khăn làm gián đoạn hoạt động logistics của DN.

Các tin khác