Hàng thiết yếu tăng 20 - 25%
Sáng qua 25.11, chị N.Khanh (Q.4, TP.HCM) đi ăn bún bò tại tiệm bún bò có tiếng trên đường Bùi Viện, Q.1, cho hay tô bún bò đặc biệt ngồi ăn tại chỗ giá lên đến 100.000 đồng/tô, trước dịch Covid-19 bùng phát đợt 4, tô này có giá 90.000 đồng, còn cùng thời điểm này năm ngoái giá 80.000 đồng/tô.
Tương tự, trước giãn cách, một hộp bánh ướt chả lụa 18.000 đồng tại quán ven đường trên đường Trần Văn Hoàng (Q.Tân Bình) nay tăng lên 25.000 đồng/hộp; tô hủ tíu hải sản tại tiệm hủ tíu Vân cùng tuyến đường này giá từ 30.000 - 35.000 đồng/tô nay lên 40.000 - 45.000 đồng/tô, mức tăng được giữ nguyên từ ngày quán bán mang về đến nay bán cho khách ngồi ăn tại chỗ.
“Giá cả hàng hóa tăng kinh khủng, mức tăng lên đến 20 - 25%, quá cao trong bối cảnh người dân đang gặp nhiều khó khăn vì giảm thu nhập, thất nghiệp sau đợt giãn cách chống dịch vừa qua, thậm chí phải thắt lưng buộc bụng nhiều hơn”, chị Khanh nhận xét.
Không chỉ tăng giá, một số phản hồi của khách trên các trang đặt mua thức ăn mang về cũng nhận xét, giá tăng mạnh nhưng “topping” kèm trong tô bún đặc biệt, tô phở nay có phần giảm mạnh. Chẳng hạn, “tô bún 85.000 đồng mà lõng bõng cục thịt heo nạc và 3 lát thịt bò với miếng chả”, hay “tô hủ tíu hải sản đặc biệt gì mà có một con tôm và thịt xay”...
Gần 80% số chợ truyền thống đã mở cửa mua bán, thế nhưng sáng 25.11, khảo sát tại một số chợ dân sinh khu vực Q.11 và Q.Tân Bình (TP.HCM) cho thấy, giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm vẫn giữ nguyên như hồi tháng 8 và tháng 9. Thậm chí có mặt hàng còn cao hơn cách đây 2 tháng.
Chẳng hạn, rau muống, cải xanh, rau lang, rau dền, đậu rồng đồng loạt có giá 40.000 đồng/kg tại cửa hàng rau trên đường Nghĩa Phát (Q.Tân Bình). Từ đầu tháng 10, nhiều loại rau ở cửa hàng này dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn còn ở mức cao: 32.000 - 35.000 đồng/kg; cải hỏa tiễn, cải cầu vồng, cải kale, bó xôi… giá 50.000 - 70.000 đồng/kg.
Tương tự, tại chợ Tân Phước (Q.Tân Bình), giá cá lóc 100.000 đồng/kg, cá diêu hồng 90.000 đồng/kg, cá kèo 140.000 đồng/kg, cá thát lát nạo 230.000 đồng/kg, cá ngừ 95.000 đồng/kg, ba sa 85.000 đồng/kg… So với cách đây gần 2 tháng, giá các loại cá này tăng từ 20 - 25%.
Bà Phú, chủ tiệm tạp hóa trên đường Lạc Long Quân (Q.Tân Bình) thừa nhận giá các loại gia vị đều tăng từ 3.000 - 10.000 đồng mỗi loại so với giá hồi tháng 5.2021. “Hồi giãn cách toàn TP, hàng mua không có thì giá tăng mạnh hơn lên 30 - 40%, từ giữa tháng 9 bắt đầu giảm, nhưng đến nay giá hàng lấy vào như tương ớt, nước mắm, mì gói… vẫn còn tăng so với trước dịch khoảng 15 - 25%.
Ví dụ, chai nước mắm N.N giá cũ 45.000 đồng/lít nay 52.000 đồng/lít, gói bột năng giá cũ 23.000 đồng/gói nay 27.000 đồng/gói, dầu T.A từ 82.000 đồng/2 lít nay lên 90.000 đồng/2 lít”, bà Phú cho biết.
Tương tự, bà Ngân bán gạo gần chợ Bình Thới (Q.11) cũng thông tin giá một số mặt hàng gạo tăng. Ví dụ, gạo Đài Loan trước 18.000 đồng/kg nay 21.500 đồng/kg, gạo hương lài đợt trước bán giá 17.000 đồng/kg, nay lấy về bán 18.600 đồng/kg…
Giá tăng làm khó chương trình kích cầu
Thực tế, giá cả hàng hóa tăng đang “làm khó” nỗ lực kích cầu của thị trường Bà LÝ KIM CHI, |
Giá tăng, sức mua cũng giảm mạnh. Tại chợ Bình Thới (Q.11), bà Điệp bán hàng gia vị, cho biết ngày thường bán mỗi ngày được 3 - 4 triệu đồng, nay ra chợ từ sáng sớm đến khi về cũng chỉ bán được 1 - 1,5 triệu đồng là nhiều nhất. Còn bà Ngân bán gạo than thở, đầu ra đã giảm 30% so với trước.
“Có dịch bệnh thì cũng phải ăn cơm hằng ngày, nhưng không hiểu sao khách mua gạo giảm mạnh, cho dù TP đã trở lại bình thường”, bà Ngân thắc mắc và tự lý giải có thể do người lao động rời TP chưa quay trở lại, nên sức mua giảm.
Bà Hồng, bán hàng áo quần tại chợ Tân Bình, cho biết đến nay vẫn còn bán hàng tồn, chưa dám lấy hàng mới về vì… chưa biết sức mua thế nào.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa kết thúc năm 2021 và hơn 2 tháng nữa là Tết Nguyên đán. Mọi năm, dịp này thị trường đã “nóng ran”, kẻ mua người bán tấp nập, nhất là đóng hàng đưa về các tỉnh. Những xe chở nguyên liệu sản xuất các mặt hàng đặc sản bán tết cũng ồ ạt đổ về các nhà xưởng.
Thế nhưng năm nay, mọi hoạt động chuẩn bị cho tết gần như yên ắng dù đã được khởi động từ nửa tháng trước. Các nhà sản xuất, kinh doanh đều có chung câu trả lời: Mãi lực chợ vẫn còn yếu, người dân chưa có tâm lý chuẩn bị cho dịp lễ tết cuối năm, hiện tại mọi chi tiêu vẫn tập trung cho cuộc sống hằng ngày.
Ngày 24.11, Bộ Công thương chính thức khởi động tháng khuyến mãi tập trung quốc gia từ ngày 1.12.2021 - 1.1.2022. Trước đó, ngày 15.11, TP.HCM cũng khởi động chương trình khuyến mãi tập trung, mức khuyến mãi lên đến 100%.
Cũng trong tháng 11 này, Bộ Công thương đã hối thúc các địa phương thống kê, lên kế hoạch sản xuất chuẩn bị cung ứng hàng hóa cuối năm, tránh để thiếu hụt hàng dịp Tết âm lịch, đặc biệt vừa phòng chống dịch vừa bảo đảm sản xuất, tránh tối đa đứt gãy chuỗi cung ứng lần nữa.
Kích cầu trong bối cảnh này là cần thiết, tuy nhiên thực tế giá cả hàng tiêu dùng hằng ngày tăng đang “kềm chân” người mua.
Theo thông tin từ Sở Công thương TP.HCM, riêng ngành hàng thực phẩm chế biến, phần lớn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, đến nay doanh nghiệp (DN) quay lại sản xuất với công suất đạt khoảng 85%.
Theo phản ánh của các DN, họ tiếp tục nỗ lực duy trì giá bán ra tốt nhất có thể, song chi phí đầu vào của các nhà máy đến nay tăng mạnh, khiến giá cả đều đồng loạt tăng.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết trong đại dịch cũng như hiện tại, ngành lương thực thực phẩm có thể nói là rất kiên cường vượt bão để sản xuất, kinh doanh trong điều kiện ngặt nghèo nhất nhằm bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa cho người dân TP nói riêng và thị trường các tỉnh nói chung.
Tuy nhiên, bà thừa nhận đến nay DN sản xuất ngành thực phẩm chế biến đang gặp khá nhiều khó khăn khi nguồn dự trữ nguyên liệu cạn kiệt, giá đầu vào nhập về nay tăng 20 - 30%, giá nguyên liệu trong nước cũng tăng hơn 10%. Thế nên, sản phẩm ngành lương thực thực phẩm bán ra không thể không tăng giá.
Về nguồn hàng chuẩn bị tết sắp tới, theo bà Chi, nếu như mọi năm giờ này kho các DN sản xuất đã có dự trữ lượng tương đối lớn, tăng 20 - 30% so ngày thường, nhưng năm nay số lượng chuẩn bị cụ thể vẫn… chưa tính được.
“DN đang trong tâm trạng thăm dò, xem tình hình dịch có ổn định không, tinh thần vẫn làm hàng chủ lực gối đầu trước tết nhưng số lượng chắc chỉ nhỉnh hơn ngày thường một ít thôi. Nếu sản xuất nhiều như mọi năm, cất vào kho rồi không bán được, vốn hoạt động bị tồn trong kho lại khó chồng khó. Thực tế, giá cả hàng hóa tăng đang “làm khó” nỗ lực kích cầu của thị trường”, bà Chi nói.