Vào lúc 5 giờ 45 phút sáng hôm nay 1/8 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay thế giới niêm yết trên Kitco neo ở mức 1.764 USD/ounce, quy đổi tương đương 49,628 triệu đồng/lượng.
Các nhà đầu tư vàng được khuyến cáo nên tiếp tục cảnh giác với chuỗi sự kiện sẽ diễn ra trong tuần này, vì chúng là sẽ những yếu tố quyết định giá kim loại quý trong ngắn hạn.
Dưới đây, chúng tôi liệt kê 5 yếu tố kích hoạt giá vàng trong tuần này:
1. Cuộc họp của Ngân hàng trung ương Anh (BoE): "BoE đã tăng lãi suất 5 lần kể từ tháng 12/2021 và với lạm phát đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ, BoE dự kiến điều chỉnh tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong tuần này. Ngân hàng trung ương Anh áp dụng lập trường mạnh mẽ về chống lạm phát. Ngoài ra, các hoạch định chính sách trong tương lai của BOE sẽ rất quan trọng trong việc chuyển động của đồng bảng Anh cũng như chỉ số DXY và sẽ tác động đến giá vàng”, Sugandha Sachdeva - Phó chủ tịch nghiên cứu hàng hóa và tiền tệ của Religare Broking nhận định.
2. Cuộc họp Ủy ban chính sách tiền tệ (MPC) thuộc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI): "Những người tham gia thị trường cũng sẽ tập trung vào kết quả về chính sách tiền tệ của RBI, điều này sẽ ảnh hưởng đến cặp tỷ giá rupee Ấn Độ (INR) và đô la Mỹ (USD), sẽ ảnh hưởng nhiều đối với xu hướng của giá vàng", Sugandha Sachdeva nói.
3. Dữ liệu việc làm của Mỹ: Bảng lương phi nông nghiệp và dữ liệu việc làm của Mỹ sẽ cung cấp các dấu hiệu về sức khỏe của thị trường việc làm ở Mỹ, điều này định hướng cho lộ trình chính sách tiền tệ của Fed phía trước.
"Sau khi dữ liệu GDP của Mỹ yếu, nếu dữ liệu việc làm của Mỹ cũng gây thất vọng, thì chỉ số DXY có thể chứng kiến mức chốt lời mạnh và DXY có thể xuống dưới mức 105. Do năng suất nông nghiệp cũng đang giảm từng ngày, vàng được kỳ vọng sẽ tỏa sáng là sự lựa chọn làm kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh và điều kiện như vậy”, Anuj Gupta - Phó chủ tịch nghiên cứu hàng hóa và tiền tệ tại IIFL Securities nhận định.
4. Cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC): "Tuần này, sự chú ý cũng sẽ đổ dồn vào cuộc họp của OPEC và các đồng minh. Chính sách sản lượng của họ sẽ rất quan trọng để định hình xu hướng giá dầu thô và sẽ cung cấp gợi ý về quỹ đạo lạm phát. Hầu hết các thành viên OPEC không còn nhiều dư thừa công suất, nên OPEC sẽ khó tăng sản lượng lên đáng kể”, Sugandha Sachdeva của Religare Broking cho biết.
5. Chỉ số sản xuất PMI (Quản lý sức mua) trong tháng 7: Các thị trường cũng sẽ phân tích chặt chẽ số liệu PMI sản xuất trong tháng 7 từ Trung Quốc, Mỹ và Châu Âu cũng như dữ liệu PPI (Chỉ số giá sản xuất) từ Châu Âu.