Cuối tuần qua, việc hàng loạt công ty lớn tham gia chiến dịch tẩy chay quảng cáo trên Facebook như nhà mạng Mỹ Verizon Communications, hãng sản xuất đồ dã ngoại Patagonia, Coca-Cola, Unilever đã ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán và tác động lên thị trường vàng.
Bên cạnh đó, những lo ngại về làn sóng COVID-19 thứ hai đã chi phối mạnh mẽ thị trường vàng trong tuần qua.
Theo giới phân tích, vấn đề này sẽ tiếp tục ngăn cản đà đi xuống của giá kim loại quý trong ngắn hạn và thị trường đang tìm kiếm động lực cho sự phục hồi mạnh hơn.
Giá vàng trong nước vượt 49 triệu đồng/lượng
Ngay trong phiên đầu tuần, giá vàng trong nước đã áp sát mốc 49 triệu đồng/lượng khi giá vàng châu Á tăng lên mức cao nhất trong một tháng.
Số ca mắc COVID-19 tăng mạnh trên toàn cầu đã làm gia tăng lo ngại về đà phục hồi chậm của nền kinh tế toàn cầu và thúc đẩy nhà đầu tư chuyển sang tài sản an toàn như vàng.
Sang phiên 23/6, kim loại quý trong nước tiếp tục vượt qua mốc 49 triệu đồng/lượng. Trong phiên giao dịch đêm trước 22/6, giá vàng thế giới tăng 1% lên mức cao nhất trong hơn một tháng qua. Số ca mắc COVID-19 tăng mạnh đã thúc đẩy giá vàng phá vỡ ngưỡng 1.750 USD/ounce.
Đà tăng của giá vàng chưa dừng lại trong phiên 24/6. Giá vàng trong nước tiếp tục vượt xa mốc 49 triệu đồng/lượng khi giá vàng thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2012, nhờ "lực đẩy" từ sự suy yếu của đồng USD và các gói kích thích tiền tệ rộng rãi của ngân hàng trung ương các nước.
Tuy nhiên, giá vàng thế giới suy yếu trong phiên giao dịch đêm 24/6 trong bối cảnh sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 mới trên toàn cầu đã khiến giới đầu tư đẩy mạnh bán ra các tài sản như vàng để thu về tiền mặt. Giá vàng trong nước theo đó cũng đảo chiều giảm nhẹ.
Giá vàng thế giới giảm tiếp trong phiên giao dịch đêm 25/6 tại Sàn giao dịch hàng hóa New York, khi đồng USD lên giá ngày thứ hai liên tiếp. Giá vàng trong nước theo đó cũng giảm trong phiên cuối tuần nhưng vẫn giữ vững trên mốc 49 triệu đồng/lượng.
Sáng 28/6, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 48,9-49,29 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). Còn tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC cũng được giao dịch mua vào-bán ra ở mức 49,07-49,26 triệu đồng/lượng. Tính chung cả tuần, các doanh nghiệp vàng đã điều chỉnh giá vàng SJC tăng khoảng 400.000 - 500.000 đồng/lượng.
Triển vọng giá vàng vẫn tích cực
Giá vàng thế giới tăng 1,6% trong tuần qua, ghi nhận tuần tăng thứ ba liên tiếp.
Theo người phụ trách phân tích thị trường tại Insignia Consultants, Chintan Karnani, những lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai của đại dịch COVID-19 sẽ ngăn cản xu hướng đi xuống của giá vàng trong ngắn hạn, cho dù số liệu việc làm của Mỹ trong tuần tới vượt các dự báo.
Theo một phân tích của Bloomberg, các bang Mỹ đã ghi nhận mức tăng kỷ lục gần 40.000 ca mắc trong ngày 25/6, dẫn đầu là các bang Florida, Texas, California và Arizona, vượt qua con số 36.188 ca của ngày 24/4.
Trong bối cảnh đó, đồng USD không biến động nhiều nhưng trên đà giảm trong cả tuần qua. Việc đồng USD yếu hơn có thể hỗ trợ cho các tài sản được định giá bằng đồng tiền này, khi có lợi cho những người mua bằng các đồng tiền khác.
Báo cáo mới nhất về lòng tin tiêu dùng tháng Sáu của Mỹ đã không có tác động nhiều đến giá vàng phiên cuối tuần qua. Theo báo cáo, chỉ số lòng tin tiêu dùng của nước này giảm xuống 78,1, so với mức 79,3 theo báo cáo sơ bộ.
Trong khi đó, chi tiêu tiêu dùng trong tháng Năm tăng kỷ lục 8,2%, đánh dấu lần tăng đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 tác động đến kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, các biện pháp kích thích mà các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới thực hiện và việc lãi suất hạ xuống mức thấp hoặc âm được xem là những yếu tố hỗ trợ hoạt động mua vào các kim loại quý.
Người phụ trách phân tích của ActivTrades, Carlo Alberto De Casa, nhận định triển vọng giá vàng vẫn tích cực, thị trường đang tìm kiếm động lực cho sự phục hồi mạnh hơn.