Giá xăng dầu tăng cao, tàu cá nằm bờ

(ĐTTCO)-Dù không phải là những ngày 'nghỉ trăng' và là thời gian đẹp nhất của mùa đánh bắt hải sản, nhưng hàng ngàn tàu đánh cá của ngư dân tại Cà Mau, Kiên Giang, Khánh Hòa… vẫn đang nằm bờ sau khi giá xăng dầu tăng mạnh.
Giá xăng dầu lên cao trong khi giá hải sản lại tụt dốc khiến đời sống của ngư dân gặp nhiều khó khăn - Ảnh: MINH CHIẾN
Giá xăng dầu lên cao trong khi giá hải sản lại tụt dốc khiến đời sống của ngư dân gặp nhiều khó khăn - Ảnh: MINH CHIẾN

Sau nhiều tháng cho tàu nằm bờ do dịch Covid-19, nhiều ngư dân cho biết lại tiếp tục cho tàu nằm bờ vào mùa cao điểm đánh bắt do giá xăng dầu, chi phí nhân công và phòng chống dịch đều tăng mạnh, càng ra khơi càng thua lỗ khi giá bán hải sản vẫn đang đứng ở mức thấp hơn trước dịch.

Càng ra khơi, càng thua lỗ

Vừa bước lên bờ sau khi ra trông coi tàu cá đậu ở Bãi Xếp (Phú Quốc, Kiên Giang), ông Võ Huỳnh Công Khanh (42 tuổi, ngụ khu phố 2, phường An Thới) cho biết mấy tháng nay dịch bệnh bùng phát, phường An Thới bị phong tỏa nên không ra khỏi nhà được, 2 tàu đánh cá của ông phải nằm bờ. Giờ hết phong tỏa cũng không thể ra khơi vì chi phí đi biển cao, đặc biệt là khi giá dầu lại tăng "khủng khiếp" trong khi giá hải sản lại rẻ như bèo.

"Mỗi chuyến đi biển kéo dài nửa tháng, 2 chiếc tàu đánh cá của tui "uống" khoảng 5.000 lít dầu, tốn khoảng 85 triệu đồng, gần bằng một nửa chi phí của chuyến đi. Nay giá dầu lại tăng khiến chi phí đi biển cao hơn, tiền chia của anh em làm công giảm nên nhiều người không muốn đi nữa. Mà bây giờ kiếm được ngư dân đi biển thạo nghề đâu phải chuyện dễ dàng gì nên dù đang vô mùa cá cơm nhưng 2 tàu của tui đành phải nằm bờ", ông Khanh chia sẻ.

Cũng như ông Khanh, hầu hết ngư dân ở Phú Quốc và các tỉnh miền Trung "đóng đô" ở Phú Quốc đều neo tàu ngoài biển rồi lên bờ… chờ thời kể từ khi giá xăng dầu tăng liên tục thời gian gần đây. 

"Ngư trường giờ cạn kiệt nên phải đi khơi, khiến chi phí đổ dầu tăng cao. Nay giá dầu tăng chóng mặt mà giá hải sản lại "rẻ thúi", bán không ai mua thì đi biển làm gì! Thôi thì nằm bờ chờ tình hình sắp tới xem sao chứ đi nữa là lỗ", ngư dân Nguyễn Văn Út ngao ngán.

Tương tự, dù đang vào mùa cao điểm đánh bắt cá nhưng tại nhiều cửa biển lớn trên địa bàn tỉnh Cà Mau như Sông Đốc, Khánh Hội, Rạch Gốc… vẫn còn nhiều tàu cá neo đậu trong bờ. Các chủ tàu cho biết không dám ra khơi vì giá dầu hiện đang ở mức quá cao. 

Theo các ngư dân, hiệu quả khai thác đang rất bấp bênh do số lượng tàu cá nhiều, ngư trường ngày càng cạn kiệt, chi phí xăng dầu và nhân công đều tăng mạnh… trong khi giá hải sản vẫn chưa bằng trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

Nỗi lo vỡ nợ

Ông Nguyễn Ngọc Hải - chủ tàu cá ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời - cho hay đang gặp khó trong việc lựa chọn cho tàu cá nằm bờ hay chạy tiếp. 

"Dù tàu của tôi hành nghề câu mực, ít tốn nhiên liệu nhưng một tháng ghe cũng chạy hơn 4.000 lít dầu, trong khi giá dầu đã tăng hơn 3.000 đồng/lít so với cách nay 2 tháng, khiến cho hiệu quả đánh bắt bị giảm mạnh. Nếu đưa tàu vào bờ, sau này tìm ngư dân rất khó, còn hoạt động thì cứ nơm nớp lo bị thua lỗ", ông Hải nói.

Theo ông Châu Minh Đảm - chủ tịch UBND xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, giá dầu tăng cao đã làm ảnh hưởng rất lớn đến ngư dân. "Thời gian qua do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên các tàu cá hoạt động hiệu quả không cao, nhất là khi giá hải sản xuống thấp. Vì vậy tình trạng tàu cá nằm bờ ngày càng nhiều và dự báo số tàu nằm bờ sẽ gia tăng nếu giá nhiên liệu tiếp tục tăng", ông Đảm nhận định.

Tại cảng cá Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa), tàu thuyền neo đậu chật kín, ngư dân không dám ra khơi vì sợ lỗ. Anh Trần Viên, chủ tàu cá, cho biết do ảnh hưởng của dịch, giá hải sản giảm mạnh. Trong khi đó giá xăng dầu tiếp tục tăng, nhiều chủ tàu tại cảng này phải cho tàu nằm bờ, chờ đợi hoặc giãn thời gian đánh bắt cá. 

Ông Lê Tiến Đạt, chủ tàu, cho biết sau gần 2 tuần ra khơi, tàu này chỉ đánh bắt được hơn 2 tạ cá, bán được khoảng 60 triệu đồng. "Mỗi chuyến đánh bắt hơn 10 ngày, tàu của tôi tiêu tốn chừng 25 - 35 triệu đồng tiền dầu, vẫn từng ấy hải trình, giờ tăng thêm 5 - 8 triệu đồng, chưa kể tiền mua thực phẩm, công lao động… Chúng tôi mong giá xăng dầu chỉ ở mức hợp lý, bình ổn chứ cao như thế thì ngư dân vỡ nợ", ông Đạt chia sẻ.

Ông Nguyễn Trung Hiếu - trưởng Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ - cho biết trong chi phí hoạt động đánh bắt thủy sản của ngư dân, giá xăng dầu chiếm gần một nửa. Việc giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đánh bắt của ngư dân, cứ ra khơi là sợ lỗ nên rất cần chính sách hỗ trợ. Ngoài tiền xăng dầu, chủ tàu còn phải gánh các khoản phí như nhân công, tiền thuê dịch vụ hậu cần nên tại cảng vẫn còn nhiều tàu chưa thể vươn khơi.

Ngư dân chờ hỗ trợ

Theo ông Mai Thành Phúc - chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa, trước đây Chính phủ có nghị quyết 48 hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, trong đó có hỗ trợ dầu theo chuyến và chúng tôi sẽ được nhận khoản này theo quý.

Tuy nhiên từ tháng 8 đến nay ngư dân vẫn chưa nhận được khoản hỗ trợ này, trong khi nhiều chủ tàu phải vay mượn để ra khơi hoặc thậm chí phải neo tàu chờ hỗ trợ để trả các khoản nợ tiền xăng dầu trong những chuyến đi biển trước.

"Trong bối cảnh giá xăng tăng và khó khăn vì dịch bệnh, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ ngư dân, đảm bảo hoạt động bám biển diễn ra ổn định", ông Phúc kiến nghị.

Doanh nghiệp gặp khó khăn kép

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Phương Nam - tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Robot, doanh nghiệp đang có đội xe trên 100 chiếc hoạt động liên tục - cho rằng giá xăng tăng mạnh kéo theo chi phí vận tải, vận chuyển cả đầu vào lẫn đầu ra của doanh nghiệp sẽ đội giá, các đối tác vận chuyển cũng sẽ kéo giá cả leo thang. Chi phí vận chuyển tăng cao trong bối cảnh nguyên liệu đầu vào cũng tăng mạnh khiến cho doanh nghiệp thêm "thấm đòn kép" hậu dịch bệnh.

"Giá nguyên vật liệu tăng liên tục từ năm ngoái đến nay, mỗi tuần, thậm chí mỗi ngày, doanh nghiệp đều nhận những bảng giá tăng từ nhà cung cấp, có những nguyên liệu tăng trên 30%", ông Nam nói. Đồng thời cảnh báo việc giá xăng tăng cộng thêm cơn sốt giá nguyên liệu rất có khả năng sẽ tạo nên một làn sóng tăng giá các sản phẩm, khi các nhà sản xuất buộc lòng phải điều chỉnh giá đầu ra để tránh lỗ hoặc cầm cự.

Ông Nguyễn Đặng Hiến - tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) - cũng cho rằng việc giá xăng tăng lên mức cao nhất trong 7 năm cộng với giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh khiến các doanh nghiệp sản xuất lao đao.

"Nhiều ngành nghề có thể tăng giá đầu ra nếu chi phí đầu vào tăng, nhưng với những doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng như chúng tôi, việc tăng giá rất khó, có doanh nghiệp phải giảm bớt sản lượng sản xuất để giảm lỗ", ông Hiến nói.

Theo ông Nguyễn Văn Tú - tổng giám đốc Công ty CP đầu tư thương mại phát triển Nhất Tín (Nhất Tín logistics), giữa doanh nghiệp vận tải và các đối tác đều có sự thỏa thuận, thống nhất về giá cước vận chuyển khi ký hợp đồng. Do đó, khi giá xăng dầu tăng liên tục, doanh nghiệp vận tải chịu áp lực rất lớn vì vẫn đang áp dụng giá cước như cam kết.

"Chi phí xăng dầu cho đội xe tải 450 chiếc bị đội lên rất nhiều, trong khi giá cước không thể thay đổi nên tạm thời chúng tôi vẫn phải nỗ lực tối đa để vận hành trong giai đoạn khó khăn này", ông Tú nói.

Vật giá leo thang, nguy cơ lạm phát

Dù thừa nhận giá xăng tăng theo xu hướng tăng giá năng lượng chung của thế giới, nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng Chính phủ cũng cần có những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, tránh nguy cơ lạm phát.

"Với việc vật giá đã leo thang, thị trường có dấu hiệu tăng lạm phát, rất cần bàn tay của Chính phủ quản lý về mặt vĩ mô, hạn chế thấp nhất lạm phát, tránh những hệ lụy cho nền kinh tế", ông Nguyễn Đặng Hiến - tổng giám đốc Bidrico - nói.

Các tin khác