Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể, đại biểu Dương Minh Ánh, đoàn Hà Nội phản ánh về những tồn tại, hạn chế trong việc biến động giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng trong thời gian qua, gây khó khăn cho chủ đầu tư và nhà thầu, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ các giải pháp và thời gian để xử lý vấn đề này, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp?
Đại biểu Trần Quang Minh, đoàn Quảng Bình chất vấn, đại biểu cho biết, vừa qua khi xây dựng một số đoạn cao tốc đường bộ đã xuất hiện tình trạng khan hiếm cục bộ một số loại nguyên vật liệu, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết phương án xử lý vấn đề này như thế nào để đảm bảo các dự án đúng tiến độ, chất lượng. Đại biểu cũng đề nghị, Bộ trưởng làm rõ các giải pháp kiểm soát, xử lý xe quá khổ, quá tải để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tăng tuổi thọ các công trình giao thông đường bộ?
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, do ảnh hưởng xăng dầu, chiến sự Nga - Ukraine khiến giá nguyên vật liệu xây dựng tăng giá đột biến. Hai Bộ Giao thông- Vận tải và Bộ Xây dựng đã báo cáo Chính phủ. Bộ Xây dựng tổ chức 7 đoàn kiểm tra ở các công trường. Hiện theo quy định thông báo giá của địa phương là sau 1-3 tháng, đã có 37 địa phương thông báo giá hàng tháng, còn lại đều thông báo 3 tháng một lần.
Ông Thể đề nghị, các địa phương mỗi tháng thông báo giá một lần để cập nhật biến động giá kịp thời hơn. Dự án lớn đều ký hợp đồng theo điều chỉnh giá, địa phương thông báo kịp thời thì sẽ điều chỉnh kịp thời hơn. Tuy nhiên, thực tế là giá biến động nhanh, cơ chế vận hành chậm nên ít nhiều ảnh hưởng tới nhà đầu tư, nhà thầu.
"Chúng tôi mong muốn nửa tháng thông báo giá một lần, nhưng như vậy nhiều vật tư biến động, gây áp lực lớn cho Sở Tài chính địa phương", ông Thể nói và cho biết sẽ cùng các bộ, ngành có phương án xử lý tốt nhất. Còn xử lý triệt để thì rất khó do giá nguyên vật liệu xây dựng ảnh hưởng từ giá xăng dầu, nguyên vật liệu từ thị trường thế giới.
Sau phần giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói thêm rằng, tiến độ một số dự án giao thông, nhất là công trình trọng điểm quốc gia chậm là do tăng giá vật liệu, nhà thầu cho biết, nếu làm thì sẽ không đủ phương án tài chính.
“Thực tế như Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói và như Quốc hội nắm được, đối với các dự án này, các hợp đồng xây lắp đều có cơ chế điều chỉnh giá, chậm ở đây là do thủ tục, quy trình, có phải thế không? Hay các nhà thầu thiệt thòi. Phải nói cho rõ vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Dư luận và nhân dân nghĩ rằng, hiện nay ký hợp đồng và chọn thầu xong mà giá cao thì nhà thầu như thế nào? Tất cả đều là hợp đồng điều chỉnh giá. Trách nhiệm việc điều chỉnh giá có phải do giá tăng, giá giảm hay không? Các bộ, ngành, địa phương như thế nào, giải pháp khắc phục tới đây như thế nào”?
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị vấn đề này cần phải tường minh, tránh gây hiểu nhầm nhà thầu như vậy là thiệt thòi.
Giải trình thêm về vấn đề tiến độ các dự án giao thông chậm do tăng giá vật liệu xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, các dự án lớn đều có điều chỉnh giá, song vấn đề đặt ra là điều chỉnh giá có kịp thời không? Sự phối hợp giữa bộ ngành và các địa phương trong công tác biến động giá cả cần rất chặt chẽ. Bởi khi triển khai các dự án, nhà thầu thường có tâm lý lo lắng khi làm giá cao (do giá nguyên vật liệu, chi phí vận tải cao tăng theo giá xăng dầu) đến khi thanh quyết toán lại giá thấp.
“Để đảm bảo công bằng và quyền lợi của nhà thầu, chúng tôi cho rằng các bộ ngành cần phối hợp với các địa phương xem xét cơ chế đảm bảo công bằng cho nhà thầu. Sự phối hợp giữa Bộ ngành và các địa phương là quan trọng. Nhưng quan trọng hơn cả là thông báo giá của địa phương. Nếu thông báo của địa phương giá sát với thực tế, kịp thời thì việc thanh quyết toán cho nhà thầu sẽ tốt”, ông Thể nói.