Giá xăng giảm, vì sao giá hàng hóa vẫn leo thang?

(ĐTTCO)-Giá xăng dầu tăng quá cao trong thời gian dài đã đẩy chi phí sản xuất lên, muốn giảm giá thì các doanh nghiệp phải tính toán lại toàn bộ các chi phí khác, không chỉ riêng giá xăng dầu.
Giá xăng giảm, vì sao giá hàng hóa vẫn leo thang?

Trong kỳ điều chỉnh ngày 11/7, giá xăng đã giảm hơn 3.000 đồng/lít. Việc giảm giá xăng dầu được người tiêu dùng kỳ vọng sẽ giúp hạ nhiệt giá cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế lại không như mong đợi của người tiêu dùng.

Thực phẩm là mặt hàng đầu tiên được nhiều người tiêu dùng kỳ vọng sẽ có sự hạ nhiệt khi giá xăng, dầu giảm. Tuy nhiên, khảo sát tại các chợ trên địa bàn thành phố Lào Cai, hầu như giá các loại thực phẩm đều không có nhiều biến động. Cá biệt, mặt hàng thịt lợn trong hơn 1 tuần nay đang có dấu hiệu tăng giá, trung bình từ 10-20.000 đồng/kg. “Là người dân lao động, tôi mong muốn mọi thứ đều giảm giá để sinh hoạt dễ dàng hơn”, bà Vũ Thị Thu ở phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai nói.

Đơn vị vận tải hàng hóa thuộc Công ty CP Net Group mỗi tháng tiêu thụ hơn 30.000 lít xăng, dầu các loại. Mặc dù trong 2 kỳ điều chỉnh vừa qua, giá xăng dầu đã giảm, tuy nhiên đơn vị này vẫn chưa thể hạ giá cước vận tải. “Bây giờ giá xăng dầu mới chỉ giảm một chút, chưa đánh giá được thực tế chi phí mà doanh nghiệp phải gánh trong quãng thời gian vừa rồi. Cho dù có giảm như vậy cũng chưa đảm bảo chi phí để vận hành việc vận chuyển thực sự tốt", ông Trương Xuân Hiếu, Giám đốc Công ty CP Net Group cho biết.

Đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải khác cũng viện dẫn, việc doanh nghiệp đã phải bù lỗ quá nhiều ngày khi giá xăng dầu liên tục leo thang từ đầu năm đến nay, do vậy việc giảm giá dịch vụ là chưa thể. Bên cạnh đó, chu kỳ điều chỉnh xăng dầu rút ngắn còn 10 ngày/lần, nên dù đã có 2 kỳ điều chỉnh giảm, nhưng chưa đủ để doanh nghiệp vận tải giảm giá dịch vụ.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Công ty Taxi Xanh Sa Pa chia sẻ: “Giá xăng dầu đang giảm như hiện nay là rất tốt cho doanh nghiệp. Nhưng ngược lại, nếu cứ thất thường trong vòng 10 ngày doanh nghiệp cũng rất vất vả mỗi lần điều chỉnh lại giá. Thứ nhất là về đăng kiểm lại đồng hồ, với doanh nghiệp có gần 100 đầu xe, nếu đi kiểm định đồng hồ phải mất 5 - 6 ngày".

Theo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trải qua thời gian dịch bệnh kéo dài, giá xăng dầu lại liên tiếp tăng đã đẩy chi phí sản xuất lên cao. Muốn giảm giá thành sản phẩm, các doanh nghiệp, đơn vị cũng phải tính toán lại toàn bộ các chi phí khác mà không chỉ riêng giá xăng dầu.

Ông Nguyễn Thành Luân, khoa Kinh tế - Du lịch, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai phân tích, tại các chợ, tiểu thương rất khó điều chỉnh giá vì việc quản lý chi phí nguyên, nhiên liệu cũng như cách tính thuế hiện nay rất khó áp vào các mặt hàng đó... Cho nên quản lý thị trường cũng như cơ quan thuế cần siết chặt quản lý hơn nữa đối với giá cả của các mặt hàng này.

Dự báo, nếu giá dầu thô thế giới tiếp tục lao dốc, giá xăng, dầu trong nước trong kỳ điều chỉnh tới có thể sẽ tiếp tục giảm. Điều này được kỳ vọng sẽ chặn được sự gia tăng giá của các loại nguyên, vật liệu, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và các doanh nghiệp.

Các tin khác