Giải cứu Nhiệt điện Thái Bình 2?

(ĐTTCO) - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã báo cáo Thủ tướng, phương án tiếp tục thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. 
Giải cứu Nhiệt điện Thái Bình 2?
Theo đó, PVN đã tính tới việc thay thế tổng thầu Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí (PVC) bằng một tổng thầu khác đủ năng lực tiếp tục thực hiện dự án. 
Khó thay tổng thầu PVC
Tuy nhiên, qua phân tích, PVN cũng chỉ rõ, nếu dừng hợp đồng EPC (gói thầu hỗn hợp hay tổng thầu) nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 với PVC, tiến hành phạt, bồi thường do chậm tiến độ, thì giá trị chủ đầu tư cần phải thu hồi từ phía tổng thầu PVC khoảng 3.512 tỷ đồng, trong đó tiền phạt và bồi thường do chậm tiến độ khoảng 2.489 tỷ đồng, và giá trị tạm ứng còn phải thu hồi đến thời điểm này khoảng 1.023 tỷ đồng.
Nếu chấm dứt hợp đồng EPC lúc này PVC sẽ phải gánh chịu ngay hậu quả của khoản chi phí ước tính 10.543 tỷ đồng. Mặt khác, việc dừng hợp đồng khi chưa có tổng thầu thay thế sẽ ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng về tiến độ, chi phí phát sinh và mất ổn định công trường. 
Vì những rủi ro trên, PVN cho rằng chỉ có thể chấm dứt hợp đồng EPC với PVC khi đã chắc chắn lựa chọn được tổng thầu mới đủ năng lực. Trong thời gian qua, PVN đã tiến hành làm việc với một số nhà thầu nước ngoài như: SDC, BWBC, DEALIM và nhà thầu trong nước LILAMA có kinh nghiệm để thay thế PVC.
Tuy nhiên, các tổng thầu này hoặc là từ chối, hoặc không thể cam kết về chất lượng, tiến độ, chi phí của dự án. Đặc biệt, các tổng thầu đàm phán với PVN đều không chịu trách nhiệm đối với tất cả các phần việc do PVC đã thực hiện, trong đó có nghĩa vụ bảo hành thiết bị. Do đó, PVN buộc phải lựa chọn phương án tiếp tục thực hiện hợp đồng EPC với PVC, sẵn sàng phương án xấu nhất để thay thế PVC và thực hiện các quyền, nghĩa vụ mà PVC đã ký với thầu phụ.

Kiến nghị hàng loạt giải pháp 
 Dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 có công suất 1.200 MW, tổng giá trị hợp đồng EPC ký kết 1,2 tỷ USD, theo PVN đây là mức đầu tư thấp so với các dự án có cùng quy mô công suất, cùng thời điểm. Về tiến độ tổng thể, đến nay dự án đã hoàn thành 80,9% tiến độ, trong đó thiết kế đạt 99,48%, ký hợp đồng mua sắm đạt 91,5%, gia công, chế tạo, vận chuyển đạt 92,84%, thi công đạt 73,6%. Các hạng mục tồn tại chủ yếu hiện nay là công tác mua sắm tại một số gói thầu, các hạng mục xây dựng ngoài khu vực nhà chính, và công tác chạy thử.
Để có thể hoàn thành dự án trong bối cảnh khó khăn hiện nay, PVN đã kiến nghị Thủ tướng 12 giải pháp để giải cứu dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Cụ thể, căn cứ thực tế triển khai dự án, theo đề xuất của tổng thầu PVC, đánh giá của tư vấn PMC, PVN đã đề nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận tiến độ hoàn thành tổ máy số 1 Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào tháng 6-2019, tổ máy số 2 vào tháng 9-2019.
Bên cạnh đó, dù việc xem xét trách nhiệm và phạt hợp đồng với tổng thầu PVC đã được chấp thuận, nhưng PVN kiến nghị cho phép miễn phạt hợp đồng với điều kiện PVC nỗ lực tối đa hoàn thành dự án theo tiến độ điều chỉnh đã cam kết. Việc miễn phạt hợp đồng, theo PVN nhằm tạo động lực và phù hợp với thực tiễn, tương tự như trường hợp của tổng thầu LILAMA tại dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1.
Dù theo phương án chỉ định thầu ban đầu, tổng thầu PVC phải thực hiện giảm giá hợp đồng từ 3-5% theo giá dự toán được phê duyệt, nhưng do tổng dự toán điều chỉnh đã được xem xét trên nguyên tắc đối chiếu các báo giá và hợp đồng thầu phụ để xác định giá thấp nhất, nên trong thực tế PVC không được tính lợi nhuận và phải bù lỗ cho các hợp đồng có giá cao hơn giá trị trong tổng dự toán. Vì vậy, PVN đề nghị xem xét cho không áp dụng giảm giá, mà giữ nguyên giá dự toán được phê duyệt.
Về số tiền PVC và công ty con PVC-IC bị phong tỏa tại NH Đại Dương (OceanBank), PVN cũng đề xuất Chính phủ chấp thuận chủ trương để NHNN chỉ đạo OceanBank giải tỏa số dư tiền gửi của PVC (82 tỷ đồng), và đơn vị thành viên thi công dự án PVC-IC (45 tỷ đồng) để phục vụ cho việc thi công nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Đồng thời, với số dư tài khoản ủy thác của PVN lên tới 955 tỷ đồng, tập đoàn này cũng đề nghị Thủ tướng chop phép Ocean Bank và PVN tiếp tục gia hạn đến năm 2021 đối với hợp đồng cho vay ủy thác đã ký kết vào năm 2011 để PVC tập trung nguồn lực triển khai dự án.
Cũng liên quan đến việc huy động nguồn lực tài chính thực hiện dự án, PVN đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo NHNN ủng hộ khi các NHTM trong nước xin phép cấp tín dụng cho PVN vượt hạn mức vốn điều lệ tại các NHTM trong nước để giải ngân cho dự án. Trước đó, để thu xếp đủ 1,2 tỷ USD xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, PVN đã ký hợp đồng vay vốn với nhiều đối tác nước ngoài, vay JBIC/NEXI 141,89 triệu USD, KEXIM 600 triệu USD, vay thương mại các đối tác khác 195,25 triệu USD.
Bên cạnh đó, PVN cũng vay của hai NHTM trong nước là Vietcombank và Vietinbank số vốn 4.600 tỷ đồng. Nhưng đến nay, NHNN mới chấp thuận để Vietcombank cho vay 1.500 tỷ đồng, Vietinbank cho vay 1.600 tỷ đồng, hạn mức tăng thêm 1.500 tỷ đồng chưa được phê duyệt. Theo tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2, số vốn vay còn thiếu để thực hiện dự án khoảng 5.053 tỷ đồng.

Các tin khác