Giải quyết vướng mắc nảy sinh
Cửa hiệu, nhà hàng, khách sạn im ỉm; phong tỏa, hạn chế giờ mở cửa các chợ đầu mối, chợ dân sinh, việc mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ suy giảm. Các siêu thị, trung tâm thương mại tuy được xem là nơi dễ kiểm soát dịch bệnh, được ưu tiên mở cửa, song có ngày “cháy” hàng, có hôm lại vắng khách. Việc đưa hàng tới tận nhà người tiêu dùng liên tục trục trặc.
Từ các hộ nông nghiệp nhỏ lẻ đến các nông trại quy mô, mọi người mỏi mắt chờ đặt hàng. Trên các nẻo đường cửa ngõ dẫn vào các đô thị, thưa thớt các loại xe thồ hàng đến chợ các loại chợ. Nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng lại chấp hành “ba tại chỗ”, chi phí tăng đột biến đã phải thu hẹp hoặc ngừng hoạt động.
Trước tình huống phải giảm thiểu hình thức thương mại truyền thống, các doanh nghiệp đã bổ sung bằng các phương thức thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến, livestream (phát hình trực tiếp), tham gia sàn giao dịch điện tử. Nhiều nhà phân phối có năng lực, những hàng hóa có thương hiệu tiên phong vào cuộc. Những ngày đầu, có doanh nhân còn bỡ ngỡ, song đã sớm thích nghi và đều hào hứng với phương thức mới bởi kết quả khích lệ.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương hiện đã áp dụng các biện pháp tình thế, chưa có tiền lệ, với sự chung sức của cả hệ thống chính trị . Như “Phiếu đi chợ” được phát tới từng gia đình, thành lập các “Tổ đi chợ thay”, tổ chức “Phiên chợ 0 đồng”, mở “Điểm bán hàng lưu động”, thiết lập các điểm tập kết hàng hóa, trao tặng “Gói an sinh”… Song song với đó, chính quyền các địa phương một số thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM cũng khuyến cáo người dân không hoảng hốt, hướng dẫn bảo quản hàng tươi sống khi phải đi chợ theo lịch…
Ban đầu, việc liệt kê “danh mục hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông” khiến mỗi nơi hiểu và vận dụng mỗi kiểu khác nhau, gây tắc nghẽn cục bộ việc lưu chuyển hàng từ địa phương sang địa phương khác, thậm chí ngay trên một địa bàn. Nhận ra bất cập đó ngành công thương đã thay bằng “Danh mục hàng hóa cấm lưu thông” giúp rắc rối phần nào được giải tỏa.
Hiện nay, Việt Nam đang dùng xuất khẩu (XK) và nhập (NK) để góp phần cân đối cung cầu, ổn định giá cả. Theo đó, điều chỉnh việc NK một số mặt hàng hiện đã nhập khá nhiều, có thứ tăng bất thường trong khi trong nước đã sản xuất đủ; hoãn giãn XK một số mặt hàng nhu cầu trong nước lớn nhưng lại được xuất đi khá nhiều, ảnh hưởng tới cân đối cùng mặt bằng giá cảc. Đồng thời khuyến khích dùng hàng Việt (nhất là xăng dầu được lọc trong nước; đường nội đang bị đường ngoại lấn át…).
Kết quả bước đầu khả quan
Kết quả bước đầu khả quan
Nhờ những nỗ lực đó, tổng mức doanh thu bán lẻ và doanh thu dịch vụ cả nước 7 tháng đầu năm 2021 tăng 0,7% so với cùng kỳ 2020, trong đó riêng doanh thu bán lẻ chiếm tỷ trọng 81,3% trong tổng 2 loại doanh thu nói trên, tăng 3,2%. Chẳng những thế, XK cũng duy trì đà tăng trưởng ấn tượng từ đầu năm, kim ngạch 7 tháng năm 2021 tăng 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay, để khơi thông dòng chảy hàng hóa cần nắm bắt những khó khăn trong việc cung ứng đầu vào, tìm đầu ra cho sản xuất, nhất là với các khu công nghiệp, khu chế xuất… từ đó tháo gỡ, duy trì, phát triển sản xuất, không để đứt gãy rồi mới gỡ đang là vấn đề cần phải lưu tâm.
Bên cạnh đó, cần chú ý đến hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ở khu vực nông thôn, đặc biệt là những thương hiệu theo Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), ưu tiên các nông sản đến thời vụ thu hoạch. Chủ động cân đối hàng hóa trên địa bàn. Kết nối giữa các địa bàn và từ sản xuất tới các kênh phân phối, nhất là các nhu yếu phẩm, ưu tiên những nơi tâm dịch, nơi đông người.
Đồng thời, tập huấn phổ cập kỹ năng, nhân rộng mô hình bán hàng trực tuyến, sàn giao dịch điện tử, vận hành thành thạo các phương tiện kỹ thuật – điện tử và kinh tế số trong các loại hình thương mại.
Duy trì các “Sở chỉ huy tiền phương”, các “Tổ công tác đặc biệt” về lưu thông, phân phối tại các địa bàn nóng, ứng phó ngay những diễn biến bất thường, giải tỏa điểm nghẽn lưu thông. Các ngành chức năng cần phối hợp nhịp nhàng, tránh để xảy ra tình trạng ngăn sống cấm chợ. Trong mọi tình huống không để xảy ra găm hàng, sốt giá, buôn bán hàng cấm, kém phẩm chất, không rõ nguồn gốc và các gian lận thương mại khác…
Cơ quan công quyền và các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần thực thi chức trách, phát hiện, điều chỉnh những quy định cản trở dòng chảy hàng hóa, vật tư, trong lúc giãn cách này cũng như khi trở lại trạng thái bình thường mới.
Chỉ khi ấy, công tác ổn định an sinh xã hội mới đạt hiệu quả cao trong khi vẫn duy trì sự chặt chẽ trong các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Khi người dân đã nâng cao nhận thức và đồng lòng tham gia cùng Nhà nước trong việc thực hiện các chính sách “chưa có tiền lệ”, thì khi đó mới “dẫu khó vạn lần, dân liệu cũng xong”.