Giải pháp tổ chức vận tải hành khách công cộng hiệu quả

(ĐTTCO)- Ngày 28/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Giao thông đã tổ chức hội thảo: “Giải pháp tổ chức vận tải hành khách công cộng hiệu quả” với sự tham gia của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp vận tải, các chuyên gia giao thông.
Mô hình xe buýt điện đưa vào hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2022 được hành khách lựa chọn vì thân thiện với môi trường.
Mô hình xe buýt điện đưa vào hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2022 được hành khách lựa chọn vì thân thiện với môi trường.

Tại hội thảo, hầu hết các hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải tham gia vận tải hành khách đều cho rằng, trợ giá cho xe buýt dù không phải là điều kiện tiên quyết nhưng thiếu “bầu sữa trợ giá” doanh nghiệp không sống nổi.

Một số doanh nghiệp vận tải cũng nêu thực trạng, hiện nay tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội phương tiện xe buýt được đầu tư tốt, mạng lưới phủ sóng gần hết nhưng thực tế cơ sở hạ tầng chưa thu hút người dân đi lại.

Đây cũng là nguyên nhân khiến người dân còn e ngại, nói không với xe buýt do đó hạn chế này cần được chính quyền, bộ, ngành quan tâm đối với công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông công cộng.

“Các nước trên thế giới đều có làn dành riêng cho xe buýt nên phương tiện này đi rất nhanh, việc đi lại cực kỳ thuận lợi. Tuy nhiên, ở Việt Nam, làn đường riêng rất ít nên xe buýt vẫn chưa được người dân lựa chọn”, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Bảo Yến nhận xét.

Trong khi đó, theo đại diện hợp tác xã Vận tải số 15, nếu thành phố không hạn chế được xe cá nhân, xe buýt sớm muộn cũng chết. Ngoài ra, nếu xe buýt không được trợ giá cũng không thể tiếp tục hoạt động được. Lý do là phương tiện giao thông dày đặc, buýt chậm, hành khách vắng.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, toàn quốc có 57/63 tỉnh, thành phố có hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Trong đó, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có mạng lưới phát triển nhất. Song thị phần đảm nhận của vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt còn rất thấp. Hà Nội đáp ứng 17,03% nhu cầu đi lại. Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 9,2%, bao gồm cả tuyến cố định liên tỉnh.

Về trợ giá, theo ông Mười, hiện trên địa bàn cả nước chỉ có ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có hình thức trợ giá từ nhà nước (tại Hà Nội là 114 tuyến và Thành phố Hồ Chí Minh có 101 tuyến có trợ giá). Các tỉnh, thành phố còn lại hoạt động trợ giá mới chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ một phần kinh phí và cho một số tuyến.

Ông Lê Đỗ Mười đề nghị, trong khi chờ đợi quy hoạch tổng thể mạng lưới giao thông đô thị mang tính dài hạn và khả thi hơn từ các cơ quan liên quan, nhà nước cần tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân song song với phát triển vận tải hành khách công cộng nhằm mục tiêu quản lý sự gia tăng số lượng phương tiện theo khu vực để có biện pháp hạn chế phù hợp, góp phần gia tăng tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Các tin khác