Song trong đó, cho vay vẫn là động lực chính đóng góp vào sự phát triển vượt bậc của mảng bán lẻ, còn dịch vụ dù có nhiều bước tiến vẫn chưa theo kịp.
Bỏ sỉ theo lẻ
Theo báo cáo của Vietcombank, năm 2017, cơ cấu tín dụng của NH chuyển dịch theo đúng định hướng gia tăng tỷ trọng tín dụng bán lẻ và giảm dần tín dụng bán buôn. Tỷ trọng tín dụng bán buôn/bán lẻ tương ứng là 59,2%/40,8%, trong khi 2016 cơ cấu này là 66,9%/33,1%. Trước đó, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cũng đã từng cho biết, để tái cấu trúc động lực tăng trưởng của NH trong tương lai, phân khúc khách hàng dự kiến sẽ có sự chuyển dịch với tốc độ tăng trưởng mảng bán lẻ và khối khách hàng các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt khoảng 40%. Mục tiêu của Vietcombank là trở thành NH số 1 Việt Nam về bán lẻ vào năm 2020.
Tạp chí The Asian Banker nhận định: Thị trường dịch vụ tài chính bán lẻ tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng đầu châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2017. Trong đó tài sản bán lẻ của ngành NH Việt Nam sẽ tăng 29% so với năm 2016. Việt Nam là thị trường vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng, với chỉ 20% dân số có tài khoản NH và 6% sở hữu thẻ tín dụng. |
Cả năm, tín dụng bán lẻ của NH này cũng tăng trưởng mạnh đến 33%, chiếm 27,5% tổng dư nợ tín dụng, thu nhập ròng bán lẻ tăng trưởng 35% so với năm 2016.
Tại VPBank, kết thúc năm 2017, thu nhập lãi thuần tăng 36%, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 1.448 tỷ đồng, tăng 70% so với năm 2016, đưa tăng trưởng lợi nhuận hợp nhất trước và sau thuế của VPBank trong năm 2017 đạt gần 65%, tương đương 8.126 tỷ đồng và 6.438 tỷ đồng.
Theo đó, VPBank hoàn thành mục tiêu trở thành một trong những NHTMCP lớn nhất Việt Nam trong kế hoạch 5 năm 2012-2017. Trong đó, yếu tố chính mang lại kết quả này là sự chuyển hướng tập trung vào các dịch vụ và sản phẩm NH bán lẻ từ cách đây 5 năm, hiện doanh thu từ phân khúc khách hàng cá nhân, tài chính tiêu dùng và DNNVV đang chiếm gần 80% trong tổng doanh thu của NH.
Nhiều dư địa phát triển
Nhiều dư địa phát triển
Năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3.934.200 tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm 2016, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,46%, cao hơn mức tăng 8,33% của năm 2016. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, tốc độ tăng trưởng bán lẻ đã liên tục duy trì ở mức cao trong 6 tháng cuối năm 2017, phần nào cho thấy các chính sách kích cầu phát huy tác dụng, thúc đẩy tổng cầu tiếp tục cải thiện đáng kể.
Nhiều khả năng, chính sách tiền tệ mở rộng sẽ tiếp tục được duy trì và phát huy tác dụng trong năm 2018. Mặc dù phát triển khá mạnh mẽ trong các năm qua, nhưng mảng NH bán lẻ sẽ có những đột phá từ năm 2018. Tỷ lệ thâm nhập của ngành NH theo NH Thế giới chỉ vào khoảng 30%, vẫn đang tiếp tục tiến triển nhờ vào nền tảng hạ tầng được cải thiện, khách hàng cá nhân ngày càng am hiểu và yêu thích ứng dụng công nghệ hơn, đồng thời lối sống và quan điểm tiêu dùng cũng thay đổi theo hướng tiến bộ.

Trong một môi trường đầy tiềm năng như vậy, tất cả các NH trong hệ thống hiện đang tập trung hướng đến mảng tài chính bán lẻ. Ông Võ Văn Châu, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Kienlongbank cho biết, NH đã đạt được những kết quả rất đáng kể trong năm 2017; chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh 2018 và giải pháp thực hiện, bám sát mục tiêu hoạt động an toàn, bền vững và lợi nhuận hợp lý, kiên định theo định hướng trở thành NH bán lẻ đa năng, hiện đại trên thị trường tài chính Việt Nam.
Theo đó, Kienlongbank tiếp tục định hướng tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, phục vụ đối tượng khách hàng DNNVV, nông dân, tiểu thương buôn bán, sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ.
Tháng 10-2017, Vietcombank đã công bố tuyển dụng và bổ nhiệm Giám đốc Khối bán lẻ cho ông Thomas William Tobin, Giám đốc phụ trách khu vực Bắc Á của tổ chức thẻ quốc tế Visa. Đây là nhân sự cao cấp người nước ngoài đầu tiên được tuyển dụng và bổ nhiệm tại Vietcombank trong suốt 55 thành lập và hoạt động, nhằm tạo tiền đề để phát triển đột phá mảng bán lẻ. Lãnh đạo ABBank cũng cho biết, để tập trung vào lĩnh vực bán lẻ, NH thường xuyên tập trung ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tiến quy trình, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng quan hệ đại lý…
Dịch vụ vẫn yếu hơn tín dụng
Dịch vụ vẫn yếu hơn tín dụng
Để khai thác mảng bán lẻ, những năm qua dịch vụ NH điện tử cũng đã được nâng cấp ngày càng cao. Dịch vụ huy động vốn cũng được cải tiến với nhiều hình thức, đáng chú ý là mảng cho vay ngày càng được đẩy mạnh với nhiều sản phẩm như mua nhà, mua xe, du học, du lịch, thấu chi…
Song song đó, hình thức liên kết tài chính như dịch vụ NH kết hợp với bảo hiểm cũng nở rộ. Theo giám đốc khối tài chính cá nhân một NHTMCP, lĩnh vực bán lẻ nói chung và bán lẻ NH nói riêng tại Việt Nam có tiềm năng lớn do dân số lớn, tốc độ phát triển kinh tế luôn ổn định trong những năm gần đây.
Do đó, các NH trong nước cũng như NH quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam liên tục có cải tiến về sản phẩm và công nghệ để nắm bắt cơ hội của thị trường. Lĩnh vực NH bán lẻ tại Việt Nam sẽ ngày càng cạnh tranh gay gắt và để cạnh tranh, mỗi NH đều chọn một hướng đi phù hợp với tiêu chí về phân khúc khách hàng, chiến lược hoạt động của NH mỗi giai đoạn.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào cơ cấu thu nhập của các NH với sự chênh lệch lớn của thu nhập lãi thuần và thu nhập từ dịch vụ, cho thấy cho vay vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng NH bán lẻ. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động tín dụng vẫn chiếm 79% tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh, phần còn lại đến từ thu nhập từ dịch vụ, góp vốn mua cổ phần, kinh doanh ngoại hối…
Khi nói về tăng trưởng bán lẻ, hầu như các NH cũng nhấn mạnh về sự tăng trưởng của tín dụng đối với nhóm khách hàng cá nhân. Con số thực tế là tín dụng tiêu dùng đã tăng cao trong năm qua với mức tăng trưởng khoảng 65%, chiếm 18% trong tổng tín dụng. Đồng thời, nguồn vốn tín dụng cho vay tiêu dùng chủ yếu đến từ hệ thống NH, đạt 23,27 tỷ USD, tương đương 87,6% trong năm 2016.
Các chuyên gia dự báo trong năm 2018, tín dụng tiêu dùng có thể tiếp tục tăng trưởng cao và là một trong những mảng hoạt động chiến lược, nhiều tiềm năng của các TCTD. Đồng thời, các NHTMCP lớn định hướng chiến lược trở thành NH bán lẻ nhóm đầu thị trường hiện nay cũng đều sở hữu các công ty tài chính riêng.
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện chiến lược NH thuộc NHNN cũng nhận định, một trong những động lực khiến cho vay tiêu dùng phát triển mạnh trong vài năm gần đây chính là do xu hướng bán lẻ của NHTM gia tăng mạnh, với kênh này, các NH có thể có lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao hơn, ổn định hơn và phân tán được rủi ro tốt hơn.