Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng: Nhân viên y tế đã kiệt sức

(ĐTTCO) - Trong phần trả lời chất vấn tại kỳ họp, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, năm 2021 nhân viên y tế nghỉ việc nhiều, gần 1.000 nhân viên. Trong đợt dịch vừa qua, nhiều nhân viên y tế đã kiệt sức, họ chưa được nghỉ ngơi ngày nào, trong khi thu nhập quá thấp...
Năm 2021 có 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc
Năm 2021 có 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc

Sáng 8-12, kỳ họp thứ tư HĐND TPHCM khóa X bước sang ngày làm việc thứ 2 với phiên chất vấn và trả lời chất vấn dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM. Đây là phiên chất vấn đầu tiên của HĐND TPHCM khóa X.

Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng: Nhân viên y tế đã kiệt sức ảnh 1Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tham dự phiên họp sáng 8-12 có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.

Chất vấn 4 lĩnh vực

Mở đầu phiên chất vấn, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, tại kỳ họp này, HĐND TPHCM sẽ dành 1 ngày để thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đây cũng là phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên trong nhiệm kỳ HĐND TPHCM khóa X. Kết quả của phiên chất vấn đầu tiên trong nhiệm kỳ cũng là tiền đề, điều kiện để HĐND TPHCM tiếp tục rút kinh nghiệm cho các phiên chất vấn của các kỳ họp sau được tốt hơn.

Về việc lựa chọn chủ đề chất vấn và chủ thể được chất vấn, Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, căn cứ vào phiếu lấy ý kiến của các vị đại biểu (ĐB) HĐND TPHCM.

Các ĐB HĐND TPHCM đã biểu quyết chọn ra 7 vấn đề liên quan 4 lĩnh vực sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trong kỳ họp thứ tư này. Cụ thể là các nội dung liên quan đến công tác ứng phó với diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố; việc củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng đồng thời các chính sách thu hút nguồn lực y tế, chế độ đãi ngộ đối với y tế cơ sở sẽ thuộc trách nhiệm của giám đốc Sở Y tế.

Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 và các nội dung về kế hoạch đầu tư công năm 2022 liên quan đến trách nhiệm của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời vấn đề về công tác kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận liên quan đến Chủ tịch UBND Quận 7.

Tại kỳ họp này, HĐND TPHCM sẽ dành thời gian để Chủ tịch UBND TPHCM trình bày thêm về các nhóm vấn đề liên quan đến sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng, an ninh trên địa bàn thành phố năm 2021. Phương hướng, nhiệm vụ và những giải pháp trọng tâm cho năm 2022 và báo cáo thêm với HĐND TPHCM một số vấn đề thuộc 4 lĩnh vực nêu trên mà HĐND TPHCM quan tâm và trả lời trực tiếp các câu hỏi chất vấn của ĐB.

Nhiều vấn đề đặt ra xoay quanh củng cố y tế cơ sở

Đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên là Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng. Chất vấn đầu tiên, ĐB Phạm Văn Rậm, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM nêu tình trạng trong năm 2020 và 11 tháng đầu năm 2021, nhân viên y tế tuyến cơ sở nghỉ việc rất nhiều. “Tình hình dịch bệnh hiện nay còn phức tạp, Sở Y tế TPHCM có tham mưu chính sách gì đối với UBND TPHCM để thu hút nhân lực cho y tế cơ sở”, ĐB Phạm Văn Rậm hỏi.

Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng: Nhân viên y tế đã kiệt sức ảnh 2Đại biểu Phạm Văn Rậm nêu câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng. Ảnh: VIỆT DŨNG

ĐB Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng phân tích, hiện nay tỷ lệ nhân viên y tế/10.000 dân ở TPHCM chỉ là 2,31 nhân viên, so với cả nước là 7,42 nhân viên và Hà Nội là 6,06 nhân viên. Không những số lượng ít ỏi, còn phải đối diện với tình trạng nghỉ việc nhiều.

Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng: Nhân viên y tế đã kiệt sức ảnh 3Đại biểu Tăng Hữu Phong chất vấn Giám đốc Sở Y tế TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong khi đó, theo quy định, phường, xã, thị trấn có trên 8.000 dân thì mỗi trạm y tế có 5 nhân viên; sau đó cứ tăng 2.000-3.000 dân thì thêm 1 biên chế và tổng không quá 10 người/trạm y tế. Theo cách tính như vậy, một trạm y tế phục vụ 18.000 dân sẽ có 10 nhân viên. Tuy nhiên, TPHCM rất đông dân cư, có 40 trạm y tế có quy mô dân trên 50.000 dân trở lên. Đặc biệt, có 3 trạm y tế phục vụ hơn 100.000 dân; trong đó, xã Vĩnh Lộc A huyện Bình Chánh có hơn 100.000 dân, gấp hơn 10 lần mức tối thiểu 18.000 dân (để được bố trí 10 nhân viên).

“Vậy, quan điểm của Sở Y tế về vấn đề này thế nào? Cần phải bổ sung bao nhiêu nhân lực để y tế ở tuyến phường, xã có thể đảm đương công tác phòng chống dịch và hàng chục chương trình mục tiêu quốc gia? Lượng nhân viên y tế trên địa bàn TPHCM còn đủ để tuyển dụng hay không, hay phải tuyển dụng ở các tỉnh thành khác? Khi nào TPHCM tuyển dụng đủ và nguồn kinh phí chuẩn bị cho việc này thế nào?”, ĐB Tăng Hữu Phong đặt hàng loạt câu hỏi.

Tham gia chất vấn, ĐB Thượng tọa Thích Minh Thành, Trưởng khoa Khoa Hoằng pháp, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, đề nghị Giám đốc Sở Y tế nêu rõ quyết sách cụ thể nào giúp tăng cơ sở vật chất, vật tư, thuốc, nhân sự cho y tế cơ sở? TPHCM đã chuẩn bị thế nào để ứng phó có hiệu quả nếu đại dịch Covid-19 bùng phát lần nữa?

Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng: Nhân viên y tế đã kiệt sức ảnh 4ĐB Thượng tọa Thích Minh Thành chất vấn Giám đốc Sở Y tế TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chính sách giữ chân, thu hút nhân viên y tế

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, ngành y tế đã rút ra kinh nghiệm sâu sắc. Trong các bài học kinh nghiệm, có bài học kinh nghiệm về củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động y tế cơ sở, y tế dự phòng; điều chỉnh cơ chế, chính sách nhằm thu hút và đảm bảo nhân lực cho y tế cơ sở, các trạm y tế. Đó cũng là vấn đề mà ĐB Tăng Hữu Phong và ĐB Thượng tọa Thích Minh Thành nêu ra.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, về nhân lực y tế, TPHCM có 20 bác sĩ/10.000 bệnh nhân, cao gấp đôi so với cả nước. Nhưng nhìn qua các nước trên thế giới thì chỉ số bác sĩ dao động từ 36-44-62/10.000 dân. Thực tế cho thấy, số bác sĩ/10.000 dân còn thấp so với nhu cầu. Bình thường đã thấy và dịch thì càng thấy rất thiếu bác sĩ.

Đối với nhân viên y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế, TPHCM ở mức thấp nhất trong cả nước, chỉ có 2,31 nhân viên y tế/10.000 dân, trong khi cả nước là 7,42 nhân viên/10.000 dân.

Ông Tăng Chí Thượng cho biết, ngành y tế đang xây dựng đề án nâng cao năng lực y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả. Trong đó, đề xuất chính sách giữ chân nhân viên y tế, làm thế nào cho nhân viên y tế yên tâm công tác, bớt nghỉ việc.

Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng: Nhân viên y tế đã kiệt sức ảnh 5Giám đốc Sở Y tế - TPHCM Tăng Chí Thượng trả lời chất vấn. Ảnh: VIỆT DŨNG

Năm 2021 có 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc

Giám đốc Sở Y tế TPHCM thừa nhận, năm nay nhân viên y tế nghỉ việc nhiều, gần 1.000 nhân viên. Con số này hàng năm là 400-500 người nghỉ việc. “Nhân viên y tế nghỉ việc nhiều là có lý do. Nếu nói nhân viên y tế đã kiệt sức cũng không sai bởi gần 8 tháng trôi qua, họ chưa được nghỉ ngơi ngày nào, trong khi thu nhập quá thấp”, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng giãi bày.

Vì thế, giải pháp trước mắt mà ngành y tế đưa ra là giữ chân để nhân viên y tế ít nghỉ việc. Cụ thể là đề xuất hỗ trợ thu nhập cho nhân viên y tế, làm sao bác sĩ có thêm 1-1,5 lương tối thiểu vùng (tức là thêm khoảng 6 triệu đồng/bác sĩ/tháng), điều dưỡng có thêm khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM thông tin thêm, năm 2015, UBND TPHCM hỗ trợ cho nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng, tuy nhiên mức hỗ trợ còn thấp, chỉ từ 450.000-800.000/người/tháng. Mức hỗ trợ này rất khó cho nhân viên y tế đảm bảo cuộc sống cá nhân và hỗ trợ gia đình.

Cùng với giải pháp giữ chân, mối quan tâm tiếp theo của ngành y tế là làm thế nào thu hút được nhân lực đến công tác tại các trạm y tế. “Đây là thách thức rất lớn”, Giám đốc Sở Y tế TPHCM đánh giá.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, Sở đã trao đổi rất nhiều với trường đại học, kiến nghị một cơ chế mới và mong được sớm thông qua. Đó là, cơ chế để bác sĩ mới tốt nghiệp – theo quy định, bác sĩ mới tốt nghiệp phải về bệnh viện của thành phố, của quận huyện để thực hành 18 tháng thì mới được cấp chứng chỉ hành nghề - thay vì bệnh viện thực hành thì về y tế cơ sở thực hành 12 tháng, ở bệnh viện 6 tháng.

Theo Giám đốc Sở Y tế TPHCM, kiến nghị này mang lợi ích cho cả 2 phía: bác sĩ mới tốt nghiệp được về y tế cơ sở, gần dân, hiểu dân, có lợi cho công tác lâu dài; y tế cơ sở có thêm nhân lực.

Ước tính, nếu cơ chế được thông qua, mỗi năm có ít nhất 500 bác sĩ, lúc nào cũng có lực lượng bác sĩ xuống y tế cơ sở vừa công tác vừa thực hành để lấy chứng chỉ.

“Để bác sĩ yên tâm, chúng tôi cũng kiến nghị TPHCM hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt trong thời gian bác sĩ xuống y tế cơ sở, với mức 1,5 lần lương tối thiểu vùng (hơn 6 triệu đồng/bác sĩ/tháng). Và bác sĩ cũng không phải đóng tiền thực hành (bình thường phải đóng tiền để thực hành ở bệnh viện)”, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng nêu giải pháp và tin tưởng sẽ có thêm đội ngũ bác sĩ trẻ cho y tế cơ sở.

Về lâu dài, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng mong muốn Quốc hội xem xét, phân biên chế cho trạm y tế không theo địa giới hành chính mà theo dân số.


Hiện nay, giao định biên tối thiểu là 5 và tối đa là 10 người trong 1 trạm y tế. Trong khi đó, dân số ở phường, xã, thị trấn rất khác nhau. Có phường 18.000 dân, có phường 120.000 dân, thậm chí 140.000 dân mà số lượng nhân viên y tế là như nhau.


“Lý tưởng nhất cứ 1 vạn dân là có 1 trạm y tế với khoảng 5 nhân viên cũng được. Nhưng điều đó đòi hỏi phải thời gian dài. Trước mắt, chúng tôi kiến nghị tăng gấp đôi biên chế hiện hữu, thay vì tối thiểu 5 thì phải tối thiểu là 10. Tối đa từ 10 thành 20 nhân viên y tế”, ông Tăng Chí Thượng nói.

Báo cáo với HĐND TPHCM,Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, từ ngày 20-10 đến nay, số ca mắc, ca nặng cũng như ca tử vong do Covid-19 có dấu hiệu tăng dần. Số ca mắc đang ở xu hướng tăng dần 3 tuần vừa qua.

Cụ thể, ngày 12 đến ngày 18-11, TPHCM có 8.432 ca mắc mới Covid-19. Ngày 19 đến ngày 25-11, TPHCM có 8.721 ca mắc mới. Ngày 26-11 đến ngày 2-12, TPHCM có 9.301 ca mắc mới. Diễn biến này không bất ngờ khi TPHCM mở cửa trở lại với các hoạt động giao tiếp, tiếp xúc tăng.

Hiện, đánh giá cấp độ dịch của TPHCM vẫn ở cấp 2 dù số ca mắc tăng. Khi phân tích ca tử vong thì điểm chung là tập trung ở người cao tuổi (trên 90% là trên 50 tuổi); có bệnh nền, phổ biến là tiểu đường, cao huyết áp, bệnh lý thận gan và điều trị ung thư; người chưa tiêm vaccine (52-54% hoàn toàn chưa tiêm vaccine). Theo Giám đốc Sở Y tế, TPHCM đã có chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ tập trung vào 2 nhóm giải pháp.

Các tin khác