Giảm lãi suất vẫn phải chờ 'thiện chí' từ các nhà băng

(ĐTTCO) - Dù Ngân hàng Nhà nước lần thứ 4 công bố giảm lãi suất nhưng lãi suất có giảm hay không thì vẫn phải chờ hành động thực tế các nhà băng.
Giảm lãi suất vẫn phải chờ 'thiện chí' từ các nhà băng

Ngày 16-6, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản 225/TB-VPCP thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6, và định hướng giảm lãi suất huy động và cho vay nhằm tích cực hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Cùng ngày, NHNN đã phát đi thông báo sẽ giảm một loạt các mức lãi suất điều hành từ ngày 19-6: Lãi suất tái cấp vốn từ mức 5%/năm xuống 4,5%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ mức 3,5%/năm xuống 3%/năm, trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5%/năm xuống 4,75%/năm. Như vậy tính từ trung tuần tháng 3 tới nay, đây là lần thứ tư NHNN liên tiếp giảm lãi suất điều hành.

Trong lần đầu tiên, NHNN đã giảm lãi suất điều hành vào ngày 16-3, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 31/NQ-CP vào ngày 7-3, yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, DN khi số liệu thống kê tình hình DN trong 2 tháng đầu năm còn nhiều khó khăn, thách thức.

Có vẻ như “mệnh lệnh” giảm lãi suất từ NHNN vẫn chưa “ép phê” với NHTM, Chính phủ lại có thông điệp yêu cầu NHNN chỉ đạo các NHTM giảm lãi suất cho vay. Và hai lần tiếp theo cũng tương tự lãi suất điều hành của NHNN tiếp tục giảm.

Trong một cuộc họp hồi tháng 4, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng nêu đích danh các NH còn áp dụng lãi suất cao, yêu cầu xem xét giảm lãi suất. Song, mệnh lệnh đó chưa đủ sức đưa lãi suất huy động về vùng tối ưu để có lãi suất cho vay hợp lý trong lúc DN khó khăn. Cũng chính vì vậy mà Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản 225/TB-VPCP như đề cập trên.

Như vậy có thể thấy, vấn đề lãi suất được Chính phủ rất quan tâm và liên tục chỉ đạo NHNN thực thi chính sách giảm lãi suất dù áp lực lạm phát vẫn còn. Và thực tế mặt bằng lãi suất huy động đã giảm dần. Nếu như cuối năm 2022 đầu năm 2023, lãi suất huy động cao nhất đã từng leo lên mức 10-11,5%/năm, thì hiện tại đã hạ nhiệt về khoảng 8-9%/năm. Trong đó, nhóm NHTM có vốn nhà nước đã tích cực đẩy lãi suất xuống khá sâu, mức cao nhất chỉ còn 6,8%/năm từ nửa đầu tháng 6.

Song ở nhóm NHTMCP, tính đến giữa tháng 6, vẫn còn nhiều NH công bố mức lãi suất huy động trên 8%/năm như ABBank, GPBank, BaoVietBank, Bac A Bank, OceanBank… Khi nhìn vào sự khác biệt trong tốc độ giảm lãi suất huy động của nhóm NHTM có vốn nhà nước, NHTMCP quy mô lớn và NHTMCP quy mô nhỏ, sẽ thấy không phải nhà băng nào cũng có thể điều chỉnh lãi suất đi theo mong muốn của cơ quan quản lý.

Một nhóm NH có thanh khoản chưa tốt đã không thể giảm mạnh lãi suất, cố gắng co kéo bằng nhiều cách. Điều này dẫn đến việc cạnh tranh lãi suất giữ chân khách hàng vẫn lan tràn ngầm trong hệ thống NH.

Vì thế, lãi suất cho vay tuy có giảm để hưởng ứng chính sách nhưng vẫn còn cao so với khả năng của DN. Lãi suất cho vay thường được tính bằng lãi suất huy động cộng thêm biên độ 3-4%/năm. Khi lãi suất huy động 8%/năm, lãi vay rơi vào khoảng 11-12%/năm. Trong khi đó, theo tính toán doanh thu của các DN xuất khẩu có thể rất cao, nhưng lợi nhuận chỉ đạt 5-8%.

Như vậy làm ra bao nhiêu cũng chỉ để gồng lãi NH. Hơn nữa, việc hạ lãi suất cho vay thường có độ trễ vài tháng, bởi các TCTD phải tiếp tục trả lãi suất huy động cao theo cam kết đối với các khoản tiền gửi trước đó. Nên lúc này, có thể vẫn còn có những đối tượng sẽ phải vay cao hơn mức lãi suất tính toán ở trên.

Phát biểu tại phiên họp Quốc hội sáng 1-6, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, cho biết: “Nhu cầu giảm lãi suất là mong muốn của DN khi vay vốn từ trước tới nay. Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo và NHNN cũng mong muốn điều này. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất phải đặt trong bối cảnh ổn định vĩ mô, tiền tệ và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng”.

Thế nhưng, có điều nghịch lý là các NHTM cho biết vẫn “đỏ mắt” tìm khách hàng tốt để cho vay lãi suất thấp. Xem ra việc giảm lãi suất điều hành lần thứ tư của NHNN vẫn phải tiếp tục chờ hành động của các nhà băng.

Các tin khác