Tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH đối với nền kinh tế luôn là tâm điểm. Bởi thực tế hiện nay các doanh nghiệp (DN) phụ thuộc khá lớn vào nguồn vốn tín dụng của hệ thống NH. Tại Hội nghị gặp gỡ Thủ tướng với DN năm 2014 diễn ra hồi cuối tháng 4, câu chuyện tiếp cận tín dụng khó khăn một lần nữa lại được lãnh đạo VCCI và lãnh đạo Hiệp hội DNVVN nhắc đến: Lãi suất cho vay vẫn là rào cản đối với DN.
Lãi suất giảm chỉ mới nói để tạo niềm tin
Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho rằng, thời gian qua ngành NH đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN: điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay xuống phổ biến mức 9-11%/năm, bằng với mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006; các TCTD tích cực miễn giảm lãi vốn vay, giảm lãi suất của các khoản cho vay cũ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khoảng trên 300.000 tỷ đồng; tổ chức nhiều đoàn công tác tới các tỉnh, thành để tháo gỡ những vướng mắc trong quan hệ tín dụng DN và NH.
Việc các NH thận trọng khi đẩy vốn cho vay, nhất là với các khách hàng DNVVN do tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho NH, bởi nếu không thận trọng nợ xấu sẽ tiếp tục tăng. Còn nói lãi suất giảm nhưng vẫn cao là do hệ thống NHTM hoạt động trên nguyên tắc thị trường. Do đó phải có cơ chế khác để hỗ trợ DNVVN. Ông Nguyễn Văn Bình, |
Số liệu thống kê nhiều năm cho thấy, tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam theo quy luật thường tăng cao trong tháng cuối năm, sau đó giảm hoặc tăng rất chậm vào những tháng đầu năm. Diễn biến hoạt động tín dụng năm 2014 cũng không ngoài quy luật đó, tháng 1 giảm 0,55% và giảm 0,65% trong tháng 2, đến tháng 3 tín dụng đã tăng khoảng 1,35% so với tháng 2 và đến ngày 22-4 tín dụng toàn ngành tăng 0,62%. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu vốn DN vẫn yếu và không tăng.
Theo Vụ Chính sách tiền tệ, tín dụng tăng chậm chủ yếu do những tháng đầu năm nhu cầu vay vốn của DN ở mức thấp. Một số ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh có tính mùa vụ chưa có nhu cầu vay vốn các tháng đầu năm. Một nguyên nhân nữa là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, tình trạng nợ đọng ngân sách, nợ giữa DN và NH, DN không có dòng tiền do không có đầu ra, nhiều DN không đủ điều kiện vay vốn...
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho biết, để tín dụng tăng được NHNN cũng đã yêu cầu các TCTD xem xét giảm thêm lãi suất cho vay 1-2% kể từ quý này. Tác động có thể chưa nhiều nhưng quan trọng là tạo niềm tin rằng lãi suất sẽ giảm để DN có thể yên tâm vay vốn sản xuất, kinh doanh. Vì thế, mục tiêu tín dụng kỳ vọng năm nay ở mức trên cũng có thể đạt được.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng thừa nhận điều quan trọng hơn với hoạt động tín dụng hiện nay là chất lượng khoản vay. Vì thế, để kỳ vọng lãi suất giảm sâu thêm trong thời gian tới là rất khó. Qua đó, có thể thấy để khơi thông được dòng chảy tín dụng hiện nay không chỉ có biện pháp giảm lãi suất mà cần phải giảm được tồn hàng hóa.
Tuy nhiên, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, cho rằng những nỗ lực kéo giảm lãi suất của NHNN thời gian qua chỉ mới giảm được lãi suất cho vay ngắn hạn, lãi suất trung hạn chưa giảm đáng kể, vẫn còn ở mức cao.
Thực trạng của các NHTM hiện nay chủ yếu huy động vốn ngắn hạn rồi đi mua trái phiếu chính phủ trung hạn. Do vậy, thị trường vốn trung hạn cho DN chưa tác động nhiều. Ngược lại, nhiều DN khó khăn, vướng nợ chưa gỡ được để vay nên dòng tín dụng chưa vào được nền kinh tế.
Phải theo nguyên tắc thị trường
Vụ Chính sách tiền tệ NHNN nhận định, hệ thống NH không thể tự đẩy tăng trưởng tín dụng theo mong muốn của mình trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn ở mức thấp và càng không thể tăng trưởng tín dụng vào những địa chỉ tiềm ẩn rủi ro, không thu hồi được vốn cho vay. Phát biểu tại buổi gặp gỡ Thủ tướng với DN vừa rồi, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, việc điều chỉnh lãi suất không nên quá khiên cưỡng.
Theo Thống đốc Bình, để hạ lãi suất thêm phải giải quyết được vấn đề là dân có gửi tiền vào NHTM nữa hay không. “Nếu dân không gửi tiền vào NH sẽ xảy ra rất nhiều vấn đề: Dân sẽ đầu tư vào các lĩnh vực khác Chính phủ không khuyến khích như USD, ngoại tệ, vàng... Do vậy phải cân đối làm sao đảm bảo được giá trị VNĐ, đảm bảo được nguồn vốn của nền kinh tế vận hành, đảm bảo thanh khoản của nền kinh tế nói chung và của hệ thống NH nói riêng” - Thống đốc nhấn mạnh.
![]() |
Ảnh: LONG THANH |
Tuy nhiên, ông Bình vẫn hứa với các DN, trong điều kiện kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ sẽ tiếp tục ổn định trong năm nay, nếu có điều kiện lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm hơn nữa. Có nghĩa lạm phát được kiểm soát ở mục tiêu kỳ vọng 5,5- 6% trong năm nay, khả năng trần lãi suất giảm thêm 0,5%. Trong khi đó, lãnh đạo các NHTM cho rằng, nợ xấu vẫn chính là một lực cản làm chi phí vốn NH tăng lên, gánh thêm nợ xấu và khi NHNN áp dụng thông lệ quốc tế nợ xấu càng nhiều. Song điều quan trọng hơn với tín dụng vẫn là do cung - cầu thị trường quyết định.
Một khi cầu thị trường không có, cung vốn có đẩy ra cũng khó hấp thụ. Nếu đầu ra sản phẩm không được khơi thông và sức mua chưa cải thiện DN sẽ chưa có nhu cầu sử dụng vốn vay, cho dù lãi suất vay ở mức thấp. Hay nói cách khác, giảm lãi suất nhưng tồn kho tăng hoặc thanh khoản chậm chưa thể kỳ vọng dòng chảy tín dụng sẽ được khơi thông mạnh.
Chuyên gia tài chính - NH Huỳnh Bửu Sơn cũng cho rằng, lãi suất chỉ là một vế và chỉ thể hiện mục tiêu của chính sách tiền tệ. Trước tình hình hiện nay khi kinh tế đang suy thoái cần phải giảm lãi suất để có thể kỳ vọng khơi thông được dòng chảy tín dụng, tác động kích cầu thị trường.
Nhưng để khơi thông được dòng vốn tín dụng cho thị trường đòi hỏi phải có thêm nhiều cách làm khác, trong đó có lãi suất. Những DN cần vốn, nhưng có nợ xấu rất khó tiếp cận vốn NH. Còn với DN tốt, có dự án khả thi họ lại chưa có nhu cầu sử dụng vốn vay.