Hàng Trung Quốc ồ ạt tấn công thị trường quốc tế và khiến thế giới ngập trong nguồn cung dư thừa. Giá cả của tất cả các loại hàng hóa trên toàn thế giới không thể tăng lên để tạo ra lạm phát như các nhà hoạch định chính sách mong muốn.
Trong khi Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen đang cân nhắc có nên tăng lãi suất lần đầu tiên trong 9 năm hay không, bạn chỉ cần lướt qua trang web của Wal-Mart Stores và sẽ ngay lập tức thấu hiểu tại sao bà và các đồng nghiệp đang cảm thấy nản lòng. Những nỗ lực đẩy tăng lạm phát của họ không được đền đáp. Tồi tệ hơn, nguy cơ giảm phát đang đe dọa kinh tế thế giới.
Một chiếc tivi RCA màn hình HD 32 inch chỉ có giá niêm yết là 160 USD. Cách đây không lâu, các gia đình trung lưu ở Mỹ sẽ phải tiết kiệm trong vài tuần mới có thể mua được một chiếc tivi như vậy.
Nguyên nhân khiến giá tivi giảm mạnh là do giá xuất xưởng từ các nhà máy ở Trung Quốc ngày càng giảm sâu. Màn hình tivi 32 inch có độ phân giải HD đã giảm từ mức 94 USD của tháng 2 xuống chỉ còn 67 USD ở thời điểm hiện tại.
Trung Quốc sản xuất mọi loại hàng hóa, từ những chiếc áo phông hay các món đồ chơi cho đến những chiếc TV và tấm thu năng lượng mặt trời. Hàng Trung Quốc ồ ạt tấn công thị trường quốc tế và khiến thế giới ngập trong nguồn cung dư thừa. Giá cả của tất cả các loại hàng hóa trên toàn thế giới không thể tăng lên để tạo ra lạm phát như các nhà hoạch định chính sách mong muốn.
Điện thoại thông minh, xe cộ chạy bằng năng lượng mới và các chú robot sẽ là những mặt hàng tiếp theo được Trung Quốc tung ra thị trường quốc tế. Nước này đang tiến thêm một bậc trong chuỗi sản xuất, ăn mòn lợi nhuận thặng dư của các đối thủ quốc tế và làm giảm mức giá của nhiều loại hàng hóa trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng của các nhà thống kê.
Trung Quốc cũng là nguyên nhân lớn nhất khiến giá các loại hàng hóa cơ bản giảm mạnh, đẩy chỉ số giá tiêu dùng xuống thấp hơn. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy giảm đúng lúc nguồn cung dư thừa sau khi các công ty khai khoáng và năng lượng đẩy tăng sản lượng để đáp ứng lực cầu từng được cho là dồi dào.
Trong khi đó, dòng vốn đầu tư ồ ạt suốt từ năm 2008 tạo ra “khủng hoảng thừa” trong những ngành thâm dụng vốn như ô tô và bất động sản. Quyết định phá giá nhân dân tệ hồi tháng 8 vừa qua của NHTW Trung Quốc càng khiến tình hình tệ hơn.
7 năm sau khủng hảng tài chính toàn cầu, trên toàn thế giới lạm phát chỉ nhích nhẹ. Tuần trước Quỹ tiền tệ quốc tế IMF vừa đưa ra dự báo năm nay chỉ số giá tiêu dùng ở các nền kinh tế phát triển sẽ chỉ tăng 0,3% - yếu nhất kể từ năm 2009. Thậm chí lạm phát của năm 2016 được dự báo sẽ chỉ ở mức 1,2% - cách xa mục tiêu 2% mà các NHTW đã đề ra và cũng là mức trước khủng hoảng.
Tất nhiên không thể đổ lỗi hoàn toàn cho Trung Quốc. Lực cầu và hoạt động đầu tư yếu ớt ở các nền kinh tế phát triển vốn chưa phục hồi hoàn toàn sau khủng hoảng 2008 cũng là một nguyên nhân. Ngoài ra thị trường lao động ở nhiều nước vẫn đang ở trong trạng thái hụt hơi.
Giống như các chuyên gia kinh tế đến từ ngân hàng Standard Chartered đã nhận định, lạm phát vẫn có khả năng tăng lên trong trung hạn vì tiền lương đã bắt đầu tăng và dư địa để điều chỉnh chính sách tiền tệ cũng như tài khóa đang lớn dần lên.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư trái phiếu đang đặt cược rằng lạm phát chưa thể phục hồi. Theo số liệu từ Bank of America, 52% các loại trái phiếu chính phủ hiện có lợi suất ở dưới mức 1% và 15% thậm chí ở mức âm.
Bà Yellen đã gọi Trung Quốc là một mối lo ngại, đồng thời hai thành viên trong Hội đồng Thống đốc là Lael Brainard và Daniel Tarullo đã phát biểu rằng Fed nên kiên nhẫn trong quá trình nâng lãi suất. Trong một diễn biến khác, nước Anh vừa ghi nhận mức lạm phát dưới 0 trong tháng 9. Đây mới là lần thứ hai kể từ năm 1960 điều này xảy ra.
Đây là một thách thức không nhỏ đối với các NHTW, đặc biệt sau khi hàng nghìn tỷ USD đã được bơm vào nền kinh tế thông qua các gói nới lỏng định lượng và tổng cộng hơn 600 lần cắt giảm lãi suất ở các nước.