Để góp phần thực hiện mục tiêu trên, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Thủ Đức đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp cấp nước an toàn, trong đó đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong giám sát online.
Phát hiện điểm xì bể nhanh chóng
Trước đây, các sự cố về rò rỉ nước chỉ được phát hiện khi người dân thông báo, hoặc nhân viên kiểm tra phát hiện. Nhưng nay, với ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS), nhân viên công ty có thể xác định nhanh, chính xác vị trí xảy ra sự cố, từ đó chủ động đến hiện trường xử lý.
Cuối tháng 7-2020, nhân viên trực hệ thống quản lý lưu lượng và áp lực online phát hiện cảnh báo lượng nước tăng đột ngột ở khu vực đường Nguyễn Duy Trinh (quận 9). Đồng thời qua kiểm tra, xác định đây là sự cố xì bể đường ống. Nhân viên đội thi công tu bổ của Công ty cổ phần cấp nước Thủ Đức (CN Thủ Đức) lập tức được điều đến hiện trường xử lý. Theo đại diện CN Thủ Đức, đó là một trong rất nhiều sự cố rỏ rỉ nước được hệ thống giám sát online phát hiện cảnh báo. Nhờ phát hiện nhanh điểm xảy ra rò rỉ đã giúp nhân viên công ty chủ động xử lý các sự cố, giúp công tác giảm TTN được hiệu quả hơn.
Trước đây, địa bàn của CN Thủ Đức quản lý thường xuất hiện nhiều điểm xì bể lớn, xảy ra trên các tuyến ống cấp nước chính. Nguyên nhân một phần do nhiều đường ống cũ mục, một phần do việc thi công các công trình hạ tầng gây ra. Để công tác giảm thất thoát, thất thu nước đạt hiệu quả, thời gian qua, công ty đẩy mạnh thay mới các khu vực đồng hồ tổng (DMA). Nhờ đó đã giúp công tác kiểm tra, giám sát áp lực nước ngày càng hiệu quả. Tính đến nay, công ty đã phát triển được 79 DMA, tăng 21 DMA so với thời điểm cuối năm 2019.
Bên cạnh đó, từ năm 2019, CN Thủ Đức triển khai hệ thống quản lý lưu lượng và áp lực nước thông qua website: waternet.capnuocthuduc.vn. Bằng các trạm Datalogger phủ toàn địa bàn quản lý đã giúp cảnh báo các sự cố 24/24. Bên cạnh đó, việc cập nhật đầy đủ, hoàn thiện mạng lưới cấp nước của công ty lên GIS đã giúp hoàn thiện dữ liệu, ứng dụng khai thác, quản lý mạng lưới cấp nước. Đặc biệt, từ hệ thống giám sát online, công ty có thể tăng cường giám sát các tuyến ống cấp nước băng qua sông, giám sát được nguy cơ các đơn vị thi công bên ngoài gây xì bể trên các đường ống.
Công tác cập nhật GIS mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Ngoài ra, công ty cũng phát triển ứng dụng GIS trên điện thoại nhằm giúp công tác quản lý sự cố được thuận lợi hơn.
Ngoài ra, trang web quản lý lưu lượng và áp lực được tăng cường với hơn 223 vị trí Datalogger đã thu thập dữ liệu từ Xí nghiệp Truyền dẫn nước sạch, đồng hồ tổng DMA, áp lực tại các điểm bất lợi, từ đó giúp công ty có thể kiểm soát 24/24 các đồng hồ có sản lượng tiêu thụ lớn trên mạng lưới, xử lý nhanh chóng khi có dấu hiệu hoạt động bất thường. Công ty cũng lắp đặt 3 van điều chỉnh áp lực tại 3 quận nhằm giúp điều chỉnh áp lực nước khi xảy ra sự cố, từ đó công tác giảm TTN thêm hiệu quả.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Không chỉ vậy, thời gian qua công ty cũng tăng cường công tác dò bể ngầm đường ống. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa phòng kỹ thuật và các đội quản lý mạng lưới cấp nước, công ty đã nhanh chóng rà soát và xử lý các điểm bể phát sinh khi phát hiện lượng nước qua đồng hồ tăng đột biến.
Việc tăng cường công tác dò bể ngầm giúp phát hiện sớm các điểm bể, đặc biệt là các điểm bể lớn nhằm kéo giảm tỷ lệ nước thất thoát, thất thu. “Các điểm bể lớn tại khu vực đơn vị quản lý chủ yếu trên ống truyền tải D600 Gò Dưa, D800 cầu Rạch Lùn... với hơn 290 điểm năm 2019 và 233 điểm trong 8 tháng đầu năm 2020. Chính nhờ công tác dò bể ngầm được thực hiện tốt, kết hợp phát hiện điểm bể từ xa đã góp phần kéo giảm phần nào TTN trong thời gian qua”, đại diện CN Thủ Đức cho biết.
Ngoài ra, mô hình “xe ứng cứu sự cố”, ứng dụng chương trình quản lý điểm bể trên web GIS, mô hình hệ thống CallCenter tiếp nhận thông tin báo bể đường ống đã giúp công tác duy tu, sửa bể được tăng cường và thời gian xử lý điểm bể cũng được kéo giảm. Một cách làm hay giúp giảm TTN cũng được CN Thủ Đức thực hiện là thay thế dần các đồng hồ nước của khách hàng lớn từ đồng hồ cơ sang đồng hồ điện tử; trang bị máy dò van, dò bể theo công nghệ mới cho công nhân, giúp nhanh chóng rà soát và xử lý các điểm bể phát sinh khi sản lượng đồng hồ tăng đột biến.
Công tác giảm nước thất thoát, thất thu năm 2020 bước đầu tuy còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ đánh giá đúng thực trạng, nguyên nhân, triển khai đúng hướng và thực hiện có hiệu quả các giải pháp giảm nước thất thoát, thất thu nên tỷ lệ TTN 9 tháng đầu năm 2020 của công ty đạt kết quả tốt.