Trong hội nghị đối thoại về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu (do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng cục Hải quan và UBND của 4 địa phương: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh phối hợp tổ chức) tại tỉnh Hải Dương ngày 2-3, một số doanh nghiệp tiếp tục phản ánh tình trạng thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn nhiêu khê, bất hợp lý.
Ông Bùi Châu Giang (Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân, tỉnh Quảng Ninh) phân tích, thực phẩm nhập khẩu cho người sử dụng thì chỉ kiểm tra hồ sơ nhập khẩu, nhưng nếu nhập về làm thức ăn chăn nuôi thì cơ quan hải quan và kiểm dịch lại kiểm tra rất chặt chẽ, mất 2-3 ngày mới xong thủ tục. Ông Giang cho rằng, những quy định như vậy làm mất nhiều thời gian lẫn công sức của doanh nghiệp, cần được gỡ bỏ.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan thông tin, hàng năm, cơ quan hải quan nhận được 14,5 triệu tờ khai hải quan. Tuy nhiên không phải kiểm tra, soi chiếu 100% mà hiện 65% tờ khai được phân “luồng xanh”, 31% tờ khai “luồng vàng” (phải kiểm tra hồ sơ hải quan) và chỉ có 4% tờ khai vào “luồng đỏ”. Mục tiêu của ngành hải quan là giảm tỷ lệ “luồng vàng” và “luồng đỏ” để tăng “luồng xanh”. Tuy nhiên, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho rằng, yêu cầu của doanh nghiệp về việc giảm chi phí là phù hợp và cơ quan hải quan tại các địa phương phải “ngồi lại” với các doanh nghiệp, hiệp hội để tìm giải pháp tháo gỡ.
Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang triển khai “Chương trình doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan” (đã ký cam kết với 200 doanh nghiệp) nhằm phát huy cao tinh thần tự nguyện tuân thủ các quy định xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Tuy vậy, theo ông Hoàng Việt Cường, trước hết, cơ quan hải quan sẽ làm việc với các bộ ngành liên quan và trực tiếp với các doanh nghiệp để cùng tháo gỡ bất cập, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.