Định hướng lại
Theo báo cáo chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam quý II-2018 của Nielsen, bên cạnh chi trả cho các chi phí sinh hoạt thiết yếu, người tiêu dùng sẵn lòng chi tiêu cho các hạng mục lớn để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cụ thể, gần một nửa người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu cho các kỳ nghỉ và du lịch (49%), và mong muốn này dần trở nên mạnh mẽ hơn trong năm vừa qua; 46% muốn chi tiền cho quần áo và các sản phẩm công nghệ mới; 43% muốn chi cho các hoạt động giải trí gia đình và 38% muốn chi tiêu cho việc nâng cấp, trang trí nhà cửa.
Các chuyên gia nghiên cứu thị trường cho rằng, tâm lý này xuất phát từ việc bùng nổ của tín dụng tiêu dùng trong những năm gần đây, khi hàng loạt sản phẩm như cho vay mua hàng điện máy, xe máy, vay tiền mặt, vay dành cho dịch vụ giáo dục, dịch vụ sức khỏe… liên tục được các CTTC tung ra. Các CTTC còn chạy đua giới thiệu những khoản vay lãi suất thấp, vay 0% cho nhiều ngành hàng để kích thích nhu cầu mua sắm.
Tuy nhiên, khi cuộc đua trên thị trường tài chính tiêu dùng đang ở thời điểm gay cấn với hàng loạt đối thủ đến từ nước ngoài, một số CTTC nổi đình nổi đám trên thị trường, nhất là CTTC trực thuộc NH, lại đi chậm so với mặt bằng chung.
Chẳng hạn 6 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng tín dụng của FE Credit chỉ đạt khoảng 4%, chiếm 22% tổng dư nợ cho vay của VPBank. Tương tự, trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của HDSaison chưa đạt đến 5%, trong khi HDBank đã đạt trên 16%. Diễn biến này không phải đến từ sức ép cạnh tranh mà đến từ nhu cầu muốn chuyển đổi hoạt động nội tại, tức định vị lại hoạt động.
Giảm tốc cho vay tiêu dùng nhưng tăng cho vay những khoản chất lượng hơn.
Theo ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc FE Credit, kết quả kinh doanh của công ty trong 6 tháng đầu năm chậm hơn so với các năm trước do công ty điều chỉnh ở một số đối tượng cho vay, nhằm chấn chỉnh hoạt động đi theo hướng chất lượng. Còn ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, cho biết FE Credit đi chậm lại do định hướng tăng cường và phát triển nội tại của NH cũng như CTTC hơn là đánh đổi lấy tăng trưởng nhanh.
Phía HDBank cũng cho hay chất lượng hoạt động dịch vụ cho vay tiêu dùng của HD Saison tiếp tục được kiểm soát chặt, song song với việc kết hợp NH phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ mới phù hợp, cũng như liên kết với các đối tác Nhật Bản Credit Saison trong liên doanh để tạo các lợi thế cạnh tranh cao.
Thậm chí đầu năm nay, Techcombank đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH MTV Tài chính Kỹ thương (Techcom Finance) cho nhà đầu tư nước ngoài. Lý do Techcombank dứt bỏ CTTC này vì NH không lựa chọn mô hình kinh doanh ở mảng rủi ro cao.
Đi chậm giảm rủi ro
Đi chậm giảm rủi ro
Tín dụng tiêu dùng đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong trung hạn và góp phần san sẻ rủi ro trong nền kinh tế. Các CTTC cung cấp khoản vay nhỏ, ngắn hạn, không yêu cầu thế chấp tài sản hoặc chứng minh thu nhập. Khách hàng chỉ cần những giấy tờ như chứng minh nhân dân và giấy phép lái xe (hoặc sổ hộ khẩu) là đủ để đăng ký một khoản vay. Điều này giúp người dân tiếp cận dòng vốn tín dụng chính thức, từ đó thu hẹp quy mô hoạt động tín dụng ngầm trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, lãnh đạo một CTTC chia sẻ, rủi ro đáng quan ngại là nhiều người dân đang vay mượn vượt khả năng chi trả của bản thân. Nguyên nhân xuất phát từ tâm lý lạc quan thái quá vào khả năng thu nhập trong tương lai, dẫn đến sẵn sàng vay mượn nhiều hơn để chi tiêu ở thời điểm hiện tại. Đã có nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp kéo dài nên không đủ khả năng trả nợ.
Ở các nước phát triển, cho vay tiêu dùng phát triển mạnh vì có sự hỗ trợ của hệ thống chấm điểm tín dụng cá nhân để xét duyệt khoản vay. Trong khi tại nước ta không chỉ thiếu hệ thống chấm điểm như vậy, các CTTC còn để xảy ra tình trạng một người cùng lúc vay nhiều nơi.
Chính vì vậy, số lượng người không trả được nợ vay đã gia tăng, dẫn đến nhiều trường hợp bị đòi nợ phản cảm, gây mất uy tín của CTTC. Có trường hợp chủ thuê bao bị gọi điện quấy rối liên tục với tần suất 10 cuộc/ngày, gây ảnh hưởng tới cuộc sống, công việc hàng ngày của họ. Do đó, các NHTM muốn điều chỉnh lại tốc độ phát triển tín dụng tiêu dùng CTTC, tập trung vào chất lượng thay vì chạy theo số lượng với nhiều rủi ro.
Bên cạnh đó, việc các CTTC đi chậm lại cũng phù hợp với yêu cầu của NHNN trong kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng. Ngày 18-9, NHNN đã có văn bản yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai một số nội dung nhằm chấn chỉnh tình hình hoạt động của CTTC, bảo đảm tuân thủ đúng quy định, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
Theo đó, các CTTC, chi nhánh CTTC, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ CTTC ở các tỉnh, thành phố chấp hành nghiêm những quy định về cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống, phát hành thẻ tín dụng. CTTC cũng phải thực hiện nghiêm việc đôn đốc, thu hồi nợ, đặc biệt hoạt động dịch vụ đòi nợ phải theo quy định của pháp luật. Để tránh những rủi ro cho cả 2 bên như đã xảy ra trong thời gian qua, việc điều chỉnh lại hoạt động cho vay theo hướng tăng chất lượng là rất cần thiết để tín dụng tiêu dùng đảm bảo tăng trưởng bền vững.