3,36% là mức tăng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế trong nửa đầu năm nay. Đây là mức thấp so với dự kiến 14% của cả năm. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay, nhưng doanh nghiệp vay vốn không nhiều.
Doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vốn hoặc không đáp ứng được yêu cầu vay mới, nên bên cạnh giảm lãi suất, các ngân hàng đã cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp đi vay từ ngày 24/4 đến nay. Vì chưa phải trả nợ nên các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phục hồi.
Hàng tồn kho, chất đống, không bán được, 50% dây chuyền phải dừng sản xuất vì thiếu đơn hàng; sản xuất cầm chừng chỉ để giữ chân người lao động. Công ty Nhôm Đô Thành, doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu, vẫn đều đặn phải trả khoản lãi 10 tỷ đồng một tháng. Được giãn, hoãn trả nợ giúp họ có thêm nhịp thở.
"Doanh thu cũng như sản lượng giảm 40% ảnh hưởng lớn đến vòng quay tiền để lưu động vốn cho doanh nghiệp, việc giãn, hoãn rất hữu ích giúp doanh nghiệp có thêm thời gian tìm kiếm đơn hàng, mang lại doanh thu về cho công ty", ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhôm Đô Thành, chia sẻ.
Ddoanh nghiệp chuyên cung cấp vật liệu xây dựng trong nước cũng khó khăn gặp về thị trường, cộng thêm các chi phí cố định là gánh nặng cho doanh nghiệp.
Khi thực hiện giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp, các ngân hàng nhận định khó khăn của doanh nghiệp là do phản ứng dây chuyền về dòng tiền.
Đối tượng được giãn, hoãn nợ khá rộng, bao gồm cả khoản vay để tiêu dùng lẫn sản xuất. Doanh nghiệp được giãn, hoãn tối đa 12 tháng và cần đưa ra những giải pháp về dòng tiền, đôi khi có thể là những đề xuất từ chính các bạn hàng của doanh nghiệp.
"Đơn hàng xuất đi rồi, các đối tác ở nước ngoài cũng làm đề nghị cho họ kéo dài thời gian thanh toán. Những cái đấy chứng minh là sau khi cơ cấu, tôi có nguồn tiền để trả được khoản nợ", bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay.
Thời gian để ngân hàng chấp thuận giãn hoãn cho doanh nghiệp khoảng từ 3 - 5 ngày làm việc.
Tăng trích lập phòng gia tăng nợ xấu
Tính đến cuối tháng 5 vừa qua, 21 ngân hàng đã thực hiện cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho nhiều khách hàng doanh nghiệp. Hơn 15.400 tỷ đồng dư nợ gốc và lãi đã được giãn, hoãn.
Giãn, hoãn nợ tức là khoản nợ vẫn còn đó, chỉ là chưa thu và doanh nghiệp vẫn có cơ hội được vay các khoản vay mới. Tuy nhiên, để phòng ngừa các khả năng gia tăng nợ xấu, ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận.
Hy sinh lợi nhuận, vì với các khoản nợ được giãn, hoãn, ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng.
"Năm nay là 50%, năm sau 100%... Trong tình huống nếu không may nợ xấu xảy ra, thì về cơ bản có nguồn phòng ngừa rủi ro. Ngoài ra cần tiến hành một cách thận trọng chứ không ồ ạt, đại trà", ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, Tiền tệ quốc gia, nhận định.
Theo các tổ chức quốc tế, đây là giải pháp hiệu quả và cần thiết để tăng luân chuyển vốn.
"Cùng với chính sách giảm lãi suất, việc hoãn nợ sẽ phần nào giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn, giúp tạo vòng quay sản xuất kinh doanh liên tục, hướng tới tiếp cận được các nguồn vốn trung và dài hạn", bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế Khối Nghiên cứu Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng HSBC, đánh giá.
Việc giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp còn được kéo dài đến tháng 6 năm sau. Được chậm trả nợ một năm giúp doanh nghiệp và người dân có thêm cơ hội vượt qua khó khăn.