Một số NHTM đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2013. Nhìn chung qua 3 quý hoạt động đầy khó khăn, các NHTM không mấy lạc quan về việc hoàn thành mục tiêu lợi nhuận trong năm nay.
Khó đạt mục tiêu
Cho đến thời điểm này, mới có vài NHTM nhỏ công bố báo cáo tài chính 9 tháng và báo cáo cho thấy các NH này khá chật vật trong việc tìm kiếm lợi nhuận. Như NHTMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) trong quý III đạt thu nhập lãi thuần 119,5 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 440,6 tỷ đồng. Đóng góp lớn cho thu nhập lãi thuần trong quý III của PGBank là từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, đạt 15,7 tỷ đồng.
Khi bán nợ xấu cho VAMC, NH có thể đưa khoản nợ đó ra khỏi bảng cân đối tài chính, không phải trích lập dự phòng 100% ngay lập tức cho khoản nợ xấu đó, mà chỉ cần trích lập 20% cho mỗi năm, như vậy sẽ giảm được khoản trích lập dự phòng vào lợi nhuận hàng năm. |
Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế quý III chỉ đạt 23,8 tỷ đồng và 9 tháng 72,3 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 60,1 tỷ đồng do phải trích lập dự phòng rủi ro 174,2 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9, nợ xấu của PGBank 1.200 tỷ đồng, chiếm đến 9,5% tổng dư nợ, trong đó khoảng 685 tỷ đồng thuộc nhóm nợ có khả năng mất vốn.
Ngoài ra, báo cáo tài chính còn thể hiện nhiều khó khăn như vốn huy động đạt 13.830 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm nhưng tín dụng giảm hơn 5% so với đầu năm, đạt 13.057 tỷ đồng. Trong báo cáo tài chính riêng lẻ quý III, NHTMCP Nam Việt (Navibank) cũng cho thấy NH này gặp nhiều khó khăn khi dư nợ cho vay đến hết quý III giảm 9%.
Đồng thời, nợ không đủ tiêu chuẩn của Navibank ở mức 1.358 tỷ đồng, tăng 18%, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn 418 tỷ đồng, tăng 71%, nợ có khả năng mất vốn 496 tỷ đồng, tăng 36% so với đầu năm.
Huy động vốn của NH này cũng không khả quan khi giảm đến 21% so với đầu năm do phải trích lập dự phòng rủi ro 35 tỷ đồng bởi lỗ 9,9 tỷ đồng đầu tư chứng khoán và lỗ các hoạt động khác 1,8 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng của Navibank chỉ đạt 10,5 tỷ đồng, giảm 89% so với 9 tháng năm 2012.
Mặc dù chưa công bố báo cáo tài chính nhưng nhiều NHTM khác cũng đã thông tin về lợi nhuận 9 tháng năm 2013. Cụ thể, BIDV cho biết đạt khoảng 3.800 tỷ đồng lợi nhuận, tương đương 81% kế hoạch đề ra. Theo báo cáo của Công ty SSI Research, ước tính lợi nhuận của Vietcombank trước trích lập dự phòng 9 tháng khoảng 6.700 tỷ đồng, lãi sau thuế ước 4.000 tỷ đồng, đạt khoảng 70% kế hoạch năm.
Sacombank dự kiến mức lãi khoảng 2.200 tỷ đồng. Nhận định về lợi nhuận trong năm nay, tổng giám đốc một NHTMCP cho biết: “Mức lợi nhuận các NHTM công bố đạt được như vậy là thành công. Bởi 80% thu nhập của các NHTM từ tín dụng, nhưng 9 tháng qua các NHTM gặp rất nhiều khó khăn, tín dụng tăng trưởng chậm, khách hàng tốt rất hạn chế và mặt bằng lãi suất giảm mạnh.
Các NHTM kỳ vọng trong những tháng cuối năm tín dụng sẽ bứt phá, nhưng cho đến nay tỷ lệ vay mới vẫn rất thấp. Hiện các NH đang trong tình trạng dư thừa nguồn vốn, trong khi vẫn phải trả chi phí huy động cho người gửi tiền nên áp lực rất lớn. Mặc dù đặt mục tiêu không cao nhưng với hàng loạt khó khăn đang đối mặt, dự báo năm nay chúng tôi cũng chỉ hoàn thành khoảng 75% kế hoạch lợi nhuận đề ra cho năm 2013”.
Rào cản tín dụng và nợ xấu
Từ đầu năm đến nay, nhiều giải pháp khơi thông tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành và thực hiện. Tuy nhiên, đến thời điểm này các doanh nghiệp vẫn phục hồi rất chậm và nhiều dự báo cho thấy tín dụng năm 2013 sẽ khó hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 12%.
Tính đến ngày 21-10, tăng trưởng tín dụng của hệ thống NHTM mới tăng 6,34% (VNĐ tăng 11,5%, ngoại tệ giảm 14,57%), trong khi đó huy động vốn tăng 12,9% (VNĐ tăng 13,06%; ngoại tệ tăng 12,35%).
![]() |
Khách hàng giao dịch tại Sacombank. Ảnh: LONG THANH |
Như vậy, dù đã sắp hết năm tài chính 2013 nhưng hệ thống NHTM vẫn mới thực hiện được phân nửa mục tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm. Vì thế, để tăng trưởng gần 6% trong 2 tháng còn lại là hết sức khó khăn. Mới đây NHNN chi nhánh TPHCM cho biết năm nay, tín dụng chỉ có thể tăng trưởng 10%. Một số NHTM cũng cho biết sẽ chấp nhận giảm lợi nhuận để cho vay với lãi suất thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Song song đó, NHTM cũng đang chạy đua phát triển mảng dịch vụ để kéo lại phần nào lợi nhuận. Thế nhưng theo nhận định của các chuyên gia, dù tỷ trọng doanh thu từ dịch vụ trong tổng lợi nhuận tại một số NH có tăng, nhưng không tạo ra thu nhập đáng kể. Hơn nữa, các NH chỉ mới triển khai dịch vụ trên nền tảng sẵn có, chưa phát triển các dịch vụ mới, hiện đại. Bởi muốn phát triển dịch vụ mới, NH phải đầu tư vốn, công nghệ, nhân sự trong khi nhu cầu sử dụng vẫn còn là ẩn số.
Cùng với tín dụng, nợ xấu cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của các NHTM khi phải trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản nợ này. Trong khi đó, theo báo cáo của NHNN chi nhánh TPHCM, nợ xấu của các NHTM hoạt động trên địa bàn vẫn phát sinh tăng hàng tháng.
Tính đến cuối tháng 9, nợ xấu ở mức 54.413 tỷ đồng, chiếm 6,08% tổng dư nợ tín dụng, tăng 15,4% so với cuối năm 2012 và tăng 0,09% so với cuối tháng 8. Đáng chú ý, nợ nhóm 5 đang chiếm đến 70% tổng nợ xấu. Theo một chuyên gia tài chính, việc các NHTM đã chủ động hợp tác với VAMC trong tháng qua, ngoài việc làm sạch bảng cân đối tài chính, còn là giải pháp để tháo gỡ khó khăn về lợi nhuận.