Dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong tháng 10 tiếp tục suy yếu trước xu hướng tăng tỷ giá và lãi suất, khi giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân trong tháng trên HOSE sụt giảm tới 17% so với tháng trước đó.
Hoạt động của khối ngoại tiếp tục duy trì đà bán ròng, song giao dịch của khối này cũng ghi nhận một số tín hiệu đáng chú ý.
Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 10/2022 đạt trên 49.664 tỷ đồng, chiếm hơn 10,32% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường.
Tuy nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng trong tháng với giá trị hơn 2.067 tỷ đồng nhưng đà bán ròng của khối ngoại có xu hướng thu hẹp khi giá trị bán ròng giảm đáng kể so với con số 2.623 tỷ đồng trong tháng 9.
Bên cạnh đó, tỷ trọng giao dịch của khối ngoại có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây. Nếu như vào cuối năm 2021, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 4,87% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường, thì nay con số này đã lên 10,32%.
Nhìn chi tiết hơn vào số liệu phần nào cho thấy diễn biến tích cực hơn trong động thái của khối ngoại khi giá trị bán ròng bị chi phối mạnh bởi 2 cổ phiếu.
Đó là cổ phiếu EIB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) với giá trị bán ròng 3.300 tỷ đồng qua kênh thỏa thuận và cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát với giá trị 1.700 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận đột biến của EIB, giao dịch khối ngoại đã mua ròng với tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng.
Báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho thấy, khối ngoại đã tích cực mua ròng vào các nhóm ngành có nền tảng cơ bản, triển vọng tích cực nhưng định giá có phần nào bị ảnh hưởng mạnh bởi diễn biến thị trường như bán lẻ hàng thiết yếu (VNM, MSN), bất động sản khu công nghiệp (IDC) và ngân hàng (VCB).
Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đã tận dụng vùng giá thấp mua ròng đáng kể chủ yếu qua kênh khớp lệnh như VNM +881 tỷ đồng, MSN +694 tỷ đồng, FRT +364 tỷ đồng, DGC +354 tỷ đồng, IDC +325 tỷ đồng, DCM +255 tỷ đồng, VCB +239 tỷ đồng và DPM +214 tỷ đồng.
Ngược lại, các nhóm ngành ngược chu kỳ như thép hay bất động sản đều ghi nhận mức bán ròng mạnh trong tháng. Tính chung cho 10 tháng và loại trừ các giao dịch đột biến, khối ngoại đã mua ròng hơn 4.600 tỷ đồng.
Mặt khác, cũng theo SSI, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh trong tháng 10 sau sự kiện “Thiên nga đen” liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng đã kích hoạt dòng tiền giải ngân từ nhóm quỹ ETF (hoán đổi danh mục) và chủ động.
Nhiều quỹ ETF lớn đã ghi nhận sự đảo chiều của dòng tiền sau nhiều tháng bị rút ròng và đón nhận lượng vốn vào khá tốt như VNDiamond (+835 tỷ đồng), VFM VN30 (+566 tỷ đồng), VanEck (+516 tỷ đồng). Bên cạnh đó, quỹ Fubon vẫn duy trì tốc độ giải ngân liên tục kể từ đầu năm 2022 và ghi nhận giá trị vào ròng 1.314 tỷ đồng trong tháng 10.
Ngược lại, giá trị rút ròng ghi nhận không đáng kể ở một số quỹ như VNFIN Lead (-92 tỷ đồng), FTSE Vietnam (-20 tỷ đồng), Global X (-31 tỷ đồng).
Nhờ vậy, tháng 10 được đánh giá một trong những tháng thành công của các quỹ ETF với tổng giá trị dòng vốn vào ròng lên đến 3.134 tỷ đồng, cao thứ hai kể từ đầu năm 2022 (chỉ sau tháng 5/2022).
Việc các ETF mua ròng trong tháng 10 cũng được coi là điểm sáng nhất trên thị trường chứng khoán, phần nào giúp giảm bớt đà giảm của thị trường. Lũy kế từ đầu năm, các quỹ ETF đã thu hút thêm 11.412 tỷ đồng.
Tương tự, dòng tiền từ các quỹ chủ động tích cực trong tháng 10. Mặc dù các quỹ chủ động giải ngân thận trọng hơn so với các quỹ ETF, xu hướng tích cực là chủ đạo trong tháng 10, đặc biệt tập trung vào giai đoạn cuối tháng.
Tổng giá trị vào ròng ghi nhận gần 700 tỷ đồng – mức cao nhất kể từ tháng 7/2021. Điều này đã giúp các quỹ chủ động thu hẹp mức rút ròng trong 10 tháng đầu năm, chỉ còn hơn 1.300 tỷ đồng.
Các chuyên gia của SSI cho rằng, diễn biến dòng tiền của các quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 10 tích cực hơn nhiều so với kỳ vọng, sau mức sụt giảm mạnh của thị trường xuất phát từ các yếu tố bất ngờ nội tại.
Các biến số vĩ mô trong ngắn và trung hạn (từ 3-6 tháng tới) đang cho thấy những thách thức lớn trong việc điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm duy trì một môi trường vĩ mô ổn định và những bước đi chính sách tiếp theo, mang tính chất tiếp tục siết chặt hay hỗ trợ các điều kiện tài chính trên thị trường sẽ là yếu tố ảnh hướng tới việc lựa chọn đầu tư vào Việt Nam hay không.
“Tại thời điểm hiện tại, chúng tôi đánh giá kỳ vọng tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn vẫn tương đối lớn và do vậy sẽ là yếu tố hỗ trợ xu hướng dòng tiền vào thị trường, ít nhất trong tháng 11. Tuy nhiên, trong trường hợp rủi ro vĩ mô tăng dần, dòng tiền đầu tư sẽ nhanh chóng đảo chiều rút vốn khỏi Việt Nam,” SSI nhận định.
Trong báo cáo chiến lược đầu tư tháng 10/2022, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, diễn biến khối ngoại trong tháng 9-10 cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư nước ngoài trước diễn biến phức tạp trên thế giới.
Hoạt động thoái vốn của quỹ ngoại có thể nằm ở hoạt động rút vốn của nhà đầu tư và tranh thủ cơ cấu khi thị trường xuống mạnh. Áp lực bán dù vậy không mạnh và đà bán ròng có thể chậm lại khi nền kinh tế Việt Nam khởi sắc và thị trường đang ở mức định giá hấp dẫn.