Số liệu của hãng Archer Consulting quan sát hoạt động phòng ngừa rủi ro giá đường của các nhà sản xuất ở Brazil cho thấy rằng quy mô phòng hộ hiện tại ở một trong những mức độ cao nhất lịch sử kể từ năm 2012. Mục đích sử dụng các hợp đồng tương lai trên sàn hàng hóa để phòng hộ của các nhà sản xuất thường là thực hiện lệnh bán trên sàn để chốt trước lợi nhuận, do giá đường hiện tại đang ở mức cao. Hoạt động này giúp cho các doanh nghiệp bảo vệ được lợi nhuận kinh doanh trong trường hợp giá đường có thể giảm trong thời gian tới do viễn cảnh kinh tế ảm đạm.
Báo cáo của Archer Consulting cũng cho biết mức giá trung bình của tổng khối lượng được phòng hộ là khoảng 17,75 Cent/Pound. Bên cạnh việc nhu cầu tiêu thụ là một mối lo ngại bởi đà tăng trưởng kinh tế đang u ám, thì việc sản lượng mía mùa vụ sắp tới của Brazil được dự báo dồi dào với tiềm năng đạt gần 600 triệu tấn cũng là áp lực thúc đẩy các nhà sản xuất cần có hành động phòng hộ trước nguy cơ giá giảm. Hiện tại giá đường thô No.11 đang giao dịch quanh mức 21,3 Cent/Pound, và đang trong xu hướng tăng hướng đến mốc cao lịch sử 23,9 Cent/Pound thiết lập hồi năm 2016.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, điều này lại có thể dẫn đến một rủi ro theo hướng ngược lại đó là nếu như giá đường không giảm mà vẫn tiếp tục tăng thì nguy cơ dẫn đến tình trạng “Short Squeeze” và làm cho các nhà giao dịch thua lỗ, thậm chí là phá sản. Những lúc đó, giá trên sàn hàng hóa thường tăng vọt đột biến. Vì vậy, họat động phòng hộ trên sàn cũng thường được xem là con dao hai lưỡi, khi nó có thể tối ưu hóa lợi nhuận nếu được sử dụng một cách phù hợp. Nhưng ngược lại, khả năng thua lỗ nặng nề cũng có thể xảy ra nếu nhận định sai xu hướng tiếp theo.