Giáo viên chật vật
Thu nhập từ việc đi dạy vốn không quá dư dả để tích lũy, thế rồi dịch bệnh kéo dài càng khiến cuộc sống của những giáo viên mầm non tư thục tại TP.HCM trở nên bấp bênh hơn.
Chị Lâm Tú Phụng, giáo viên trường mầm non tư thục Rồng Vàng (TP.Thủ Đức) cho biết, học sinh không đến lớp, nhà trường không có nguồn thu nên không hỗ trợ được cho giáo viên. Suốt gần 6 tháng qua, chị và nhiều giáo viên khác của trường chật vật, phải làm đủ việc để mưu sinh. Riêng chị Phụng thì vừa tìm được một mặt bằng ở góc đường Quang Trung (Quận 9 cũ) để bán cà phê mang đi.
"Tôi mới tìm và xin được chị chủ (chủ mặt bằng - PV) để đứng bán quán cà phê di động này. Một ngày thu nhập của tôi cũng ít, vì cũng còn dịch người ta ra đường còn hạn chế nên cũng khó khăn. Tôi hy vọng bên ngành giáo dục mầm non sẽ sớm được mở cửa lại, để giáo viên được đi làm trở lại”- chị Phụng chia sẻ.
Những đợt nghỉ dịch kéo dài đã khiến không ít trường mầm non tư thục tại TP.HCM đứng trên bờ vực phá sản, phải giải thể. Trường mầm non quốc tế Amanaki ở phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức là một trường hợp như thế. Từ tháng 10/2021 trường chính thức đóng cửa, giải thể.
Chị Trần Thị Mỹ Hạnh, một giáo viên của trường cho biết khi dịch vừa bùng phát, trường phải đóng cửa ngay. Tháng đầu tiên trường vẫn duy trì trả 60% lương cho các giáo viên nhưng qua các tháng sau thì chỉ có thể hỗ trợ 30% mức lương. Mặc dù, chi phí eo hẹp nhưng các giáo viên vẫn cố gắng cầm cự với hy vọng sẽ sớm được trở lại với công việc yêu thích. Tuy nhiên, giờ đây trường đã giải thể nên chị Hạnh và hơn 20 giáo viên đều rất buồn và lo lắng.
"Hiện giờ tất cả các cô đều rất hoang mang. Sau dịch, rất nhiều trường đều đóng cửa nên các cô đi tìm công việc mới cũng rất khó khăn. Các cô cũng không biết sẽ phải đi đâu về đâu. Như mình dự định sẽ về quê. Mặc dù về quê mức lương sẽ thua xa Sài Gòn nhưng giờ đành phải thích nghi với tình hình mới này thôi"- chị Trần Thị Mỹ Hạnh cho biết.
Đời sống và thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng các gói chính sách hỗ trợ dành cho giáo viên mầm non tư thục vẫn còn ít và khó tiếp cận. Vừa qua, một nhóm các nhà hoạt động giáo dục đã cho ra đời dự án H.A.T (Help a teacher) để huy động nguồn lực xã hội và trao tặng một khoản tiền hỗ trợ cho các giáo viên. Trong năm 2021, dự án H.A.T triển khai đợt 2 và chỉ trong vòng 1 tuần ra thông báo đã nhận được hơn 3.000 đăng ký xin trợ giúp từ các giáo viên mầm non, trong đó có tới 70% là giáo viên tại TP.HCM. Tuy nhiên với nguồn lực có hạn nên dự án chỉ có thể hỗ trợ cho khoảng 1.200 giáo viên.
"Tính đến nay, dịch kéo dài bao lâu thì dự án cũng đã kéo dài bấy lâu. Nếu kéo dài hơn thì nguồn quỹ cộng đồng cũng có hạn, vì bây giờ mọi người đều khó khăn. Câu chuyện ở đây là câu chuyện của Nhà nước, phải có các gói trợ cấp dành cho giáo viên mầm non. Bên cạnh đó, phải làm sao để giữ các giáo viên mầm non với nghề vì hiện nay rất nhiều giáo viên đã chuyển đổi sang nghề khác"- Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương - chủ nhiệm dự án H.A.T chia sẻ.
Nguy cơ giải thể
Không chỉ giáo viên khó khăn mà các chủ trường cũng lao đao khi cơ sở phải đóng cửa, dừng hoạt động suốt thời gian dài. Bà Phạm Thị Thúy Vĩnh, thành viên ban quản trị hệ thống Trường tư thục Ngô Thời Nhiệm chia sẻ, dù không phải trả khoản thuê mặt bằng nhưng việc duy trì lương cơ bản cho hơn 750 giáo viên, nhân sự trong suốt thời gian đóng cửa cũng khiến nhà trường gặp rất nhiều áp lực.
"Khó khăn vô cùng, trường mầm non này chúng tôi không phải trả chi phí thuê mặt bằng bởi vì mặt bằng này là của chúng tôi nhưng khá tốn kém, bởi nhân sự chúng tôi là lao động cơ hữu, kể cả giáo viên nước ngoài nên gồng gánh rất khó khăn nếu không có nguồn dự trữ thì phá sản hết”- bà Phạm Thị Thúy Vĩnh cho biết.
Là chủ hệ thống trường Mầm non 19/5, trường mầm non Thiên Ân ở Quận 12 và TP. Thủ Đức, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết, dù không hoạt động trong suốt 6 tháng qua, nhưng mỗi tháng chị vẫn phải chi hơn 70 triệu đồng trả tiền thuê mặt bằng cho 2 cơ sở này. Các trường thì chưa biết bao giờ được hoạt động lại, nhưng từ tháng tới, chủ cho thuê mặt bằng bắt đầu thu đủ 100% phí thuê, không còn miễn giảm. Mặt khác, nhiều giáo viên của trường đã xin nghỉ việc về quê hoặc chuyển đổi nghề, càng khiến chị Lan lo lắng.
“Đầu tư rất nhiều nhưng trường vẫn chưa thu được vốn đã bỏ ra. Nếu trường được hoạt động trở lại, vấn đề lo lắng nhất của trường là số lượng trẻ đi học chắc chắn sẽ bị giảm so với trước dịch. Thứ hai, chi phí mặt bằng phải trả đủ. Thứ ba là lượng giáo viên quay trở lại làm việc, bây giờ vẫn chưa biết là các cô có quay trở lại đầy đủ hay không?”- chị Nguyễn Thị Ngọc Lan chia sẻ.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, đến nay có ít nhất 150 cơ sở giáo dục mầm non tư thục đã giải thể vì không trụ nổi sau dịch bệnh. Nhiều chủ trường còn lại cũng đang phải chật vật tìm mọi cách gồng gánh chi phí để chờ tới ngày các em nhỏ được trở lại trường học. Nhưng câu hỏi khi nào thì được hoạt động trở lại, và dịch bệnh có bùng phát nữa hay không, vẫn chưa thể có câu trả lời. Nếu tình hình này kéo dài, nguy cơ nhiều chủ trường phá sản “buông trường” là điều khó tránh.