Những nhà đầu tư tài chính trên thị trường chứng khoán Mỹ chắc chắn sẽ góp mặt trong lượng khán giả cao kỷ lục theo dõi cuộc tranh luận giữa hai ứng viên tranh cử Tổng thống đầu tiên được tổ chức vào ngày 29/9/2020, theo MarketWatch.
Cách họ phản ứng ra sao sau đó chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng bởi cách mỗi ứng viên thể hiện trong cuộc tranh luận này với từng vấn đề quan trọng.
Chiến lược gia thị trường cao cấp tại quỹ RiverFront Investment, bà Rebecca Felton, nhận xét: “Có thể cuộc tranh luận sẽ không lập tức tạo ra ngay tác động tức thì trên thị trường tài chính, thế nhưng họ sẽ phản ứng dựa trên kết quả của các cuộc khảo sát sau đó xem liệu ông Biden có tiếp tục dẫn trước đương kim Tổng thống với chênh lệch lớn hay không”.
Để có thể nhìn rõ tác động của cuộc tranh luận Tổng thống trực tiếp lên thị trường tài chính Mỹ có thể cần phải mất vài ngày.
Lịch sử cho thấy rằng thị trường thường không có nhiều biến động quá mạnh sau cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên, vốn có lượng người theo dõi cao kỷ lục. Trong những năm bầu cử tính từ năm 1960, chỉ số S&P 500 thông thường giảm khoảng 0,14%, theo Dow Jones Market Data.
Theo phân tích thông thường, các chuyên gia cho rằng khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump chiến thắng và làm Tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa sẽ mang đến thêm yếu tố cho thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm. Còn nếu ông Biden thắng, thị trường chứng khoán sẽ giảm điểm, đặc biệt thị trường sẽ còn giảm sâu hơn nếu các nghị sỹ Đảng Dân chủ chiếm được thế đa số trong Thượng viện Mỹ cùng lúc đó vẫn nắm kiểm soát Hạ viện.
Nếu chiến thắng để tiếp tục làm Tổng thống nhiệm kỳ 2, Tổng thống Trump sẽ duy trì chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp. Tổng thống chắc chắn sẽ vẫn giữ lập trường cứng rắn với Trung Quốc đồng thời vận động để tiếp tục phát triển hạ tầng cho nước Mỹ.
Ông Biden cũng ủng hộ phát triển hạ tầng, thế nhưng ông đã kêu gọi tăng thuế với doanh nghiệp và các cá nhân giàu có. Ông cũng được cho rằng sẽ tiếp tục siết chặt các quy định với một số ngành và hoạt động kinh doanh nhất định, trong đó phải kể đến ngành ngân hàng, năng lượng và chăm sóc y tế.
Tuy nhiên, ông Biden được đánh giá không có quan điểm chống Trung Quốc mạnh bằng Tổng thống Trump. Cũng không nhiều người cho rằng ông sẽ có chính sách thuế quan với Trung Quốc, châu Âu và một số đối tác thương mại khác cứng rắn như ông Trump, điều này được cho là có lợi cho kinh tế toàn cầu.
Khi mà triển vọng kinh tế gắn chặt với diễn biến của đại dịch Covid-19, tác động của những chính sách mang đặc thù đảng phái không còn rõ ràng như trước, theo phân tích của chiến lược gia thị trường tại quỹ Crossmark Global Investments, ông Victoria Fernandez.
“Nếu chúng ta có một chính quyền của Đảng Dân chủ, thường doanh nghiệp không có lợi bằng. Thế nhưng tôi không tưởng tượng rằng sẽ có quá nhiều thay đổi lớn bởi nền kinh tế hiện đang chịu quá nhiều tác động nặng nề từ Covid-19”, bà nhấn mạnh.
Theo kết quả khảo sát mới nhất của RealClearPolitics, ông Biden đang dẫn trước Tổng thống Trump 6,7 điểm phần trăm, và ngưỡng chênh lệch từ cuối tháng 7 đến nay ước tính khoảng 6 đến 10 điểm cơ bản so với con số nói trên. Tuy nhiên tại các bang chiến địa, ông Biden chỉ dẫn trước với khoảng cách rất hẹp.
Cuộc tranh luận giữa hai ứng viên Tổng thống lần này diễn ra trong bối cảnh nhà đầu tư ngày một lo lắng về khả năng sẽ có kết quả bầu cử gây tranh cãi, nỗi sợ này đang lớn dần lên khi mà Tổng thống Trump và các Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa xác nhận đã đề cử và sẽ hoàn tất bỏ phiếu để chọn ra người thay thẩm phán tòa án tối cao mới đây đã qua đời.
Trong tuần vừa qua, Tổng thống Trump đã từ chối cam kết sẽ chuyển giao quyền lực nhẹ nhàng sau bầu cử. Ông khẳng định rằng các cuộc trưng cầu dân ý có nhiều yếu tố gian dối, tuy nhiên ông chẳng thế đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.
Khả năng có một cuộc bầu cử gây tranh cãi, thậm chí có thể khiến cho kết quả bầu cử bị hoãn công bố trong nhiều tuần đã khiến cho biến động trên các thị trường tài chính tăng mạnh trong thời gian gần đây. Việc tỷ lệ chênh lệch người ủng hộ theo hướng có lợi cho ông Biden giảm dần cũng khiến nhiều người kỳ vọng vào khả năng kết quả bầu cử sẽ gây tranh cãi.
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên ngày thứ Sáu tuần trước. Tuy nhiên, tính cả tuần, chỉ số Dow Jones vẫn giảm 1,8%; S&P 500 mất 1,59% và hạ 0,6% trong tuần. Như vậy cả hai chỉ số đã có 4 tuần sụt giảm liên tiếp, chuỗi thời gian sụt giảm dài nhất tính từ tháng 8/2019. Chỉ số Nasdaq tăng 1,1% trong tuần và chuỗi 3 tuần giảm điểm chấm dứt.