2019: Điểm sáng trong biến động
Năm 2019, kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, các bất đồng và căng thẳng thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU…
Trong bối cảnh này, kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng GDP 7,02%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra và là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số giá tiêu dùng CPI 2,78%, chỉ số lạm phát cơ bản được kiểm soát ở mức 1,98%.
Thu ngân sách nhà nước (NSNN) dự tính vượt so với 2018 là 3,9% (trong đó thu nội địa tăng 5,8%, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng năm 2018, thu từ dầu thô và từ viện trợ khoảng 80% so với 2018).
Đáng chú ý, trong cơ cấu nguồn thu đã có sự chuyển biến tích cực khi thu từ nội địa chiếm trên 83% tổng thu NSNN. Thâm hụt NSNN ở mức thấp so với các năm trước, chỉ khoảng 3,54% GDP.
Về nợ công, theo báo cáo của Bộ Tài chính, giảm bằng 56,1% GDP, nợ Chính phủ ở mức 49,2% GDP, nợ nước ngoài khoảng 45,8% GDP, đảm bảo trong giới hạn Quốc hội cho phép và thấp hơn dự kiến trong kế hoạch tài chính trung hạn.
Tỷ giá VNĐ/USD tăng dưới 2%. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,4% (năm 2018 tăng 3,76%), đóng góp 4,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,36%, đóng góp 52,6%; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 42,6%.
Năm 2019, nền kinh tế đã lấy xuất khẩu làm động lực, với mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 8,5% (vượt chỉ tiêu 7-8% do Quốc hội đề ra). Kim ngạch nhập khẩu tăng trưởng khoảng 7,9% (trong đó nhập khẩu hàng tư liệu sản xuất chiếm hơn 91%).
Đặc biệt đã ghi nhận một kỷ lục khi xuất siêu đạt mức cao 10,9 tỷ USD. Cán cân vãng lai thương mại dịch vụ tiếp tục thặng dư ước khoảng 5,2 tỷ USD. Xuất khẩu thủy sản và rau, củ, quả đạt mức tăng trưởng ấn tượng; xuất khẩu nông lâm sản đạt trên 41,5 tỷ USD.
Khu vực kinh tế trong nước chuyển biến tích cực khi đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 18,1%, cao hơn nhiều so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài FDI (chỉ tăng trưởng 3,8%). Thu hút vốn FDI hết tháng 11-2019 đạt trên 31,8 tỷ USD.
Trong năm có 3.478 dự án đăng ký mới với tổng vốn đăng ký 14,7 tỷ USD; đầu tư tăng thêm đạt 5,9 tỷ USD; đầu tư gián tiếp mua cổ phần trên thị trường chứng khoán đạt hơn 11,2 tỷ USD (tăng 47,1% so với 2018). Vốn FDI thực hiện trong 11 tháng cao kỷ lục với mức giải ngân hơn 17,6 tỷ USD so với mức 16,5 tỷ USD năm 2018.
Kinh tế tư nhân đã thực sự trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế, đóng góp ngày càng lớn trong GDP, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động.
Khu vực đầu tư tư nhân đã có bước phát triển mạnh mẽ, chiếm đến 33% tổng đầu tư xã hội. Tính đến cuối tháng 11 có 126.721 doanh nghiệp (DN) mới thành lập (tăng 4,5% so với 2018), với tổng số vốn đăng ký 1,57 triệu tỷ đồng (tăng 27,5% so 2018), bình quân 1 DN 12,4 tỷ đồng (tăng 22% so với 2018), tạo việc làm cho 1,13 triệu lao động; có 36.868 DN tạm dừng hoạt động quay lại kinh doanh, tăng 15,7% so với 2018...
Lượng kiều hối về Việt Nam năm 2019 ước đạt 16,7 tỷ USD, tương đương 6,4% GDP và thuộc nhóm 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều trong năm 2019. Đặc biệt dự trữ ngoại hối được củng cố và tăng cao kỷ lục ở mức hơn 73 tỷ USD. Tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế tăng khoảng 9,4% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ 2018 tăng 10,35%). Điểm khác biệt, tín dụng trải đều qua các tháng thay vì “dồn toa” vào cuối năm như trước đây.
Đặc biệt, hiệu quả tín dụng đối với tăng trưởng kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng tín dụng cần thiết cho 1% tăng trưởng kinh tế đã giảm từ trên 2,2% năm 2017 xuống mức bình quân 1,4% năm 2019. Tăng trưởng vốn huy động từ thị trường chứng khoán thông qua phát hành trái phiếu DN, cổ phiếu bổ sung vốn, đạt mức tăng trưởng ấn tượng với hơn 33%.
Trong năm 2019, môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh đã có những chuyển biến lớn. Thêm nhiều điều kiện kinh doanh (ĐKKD) bất hợp lý đã được các bộ, ngành xem xét, tiếp tục xóa bỏ.
Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp hiện có 272 ĐKKD, đã bãi bỏ, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa 251 ĐKKD, trong đó bãi bỏ 115 ĐKKD, 136 ĐKKD đã được đơn giản hóa, tỷ lệ cắt giảm đạt 72,7%. Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam tăng 10 bậc, lên thứ 67/141 nền kinh tế được xếp hạng.
Giải pháp trong năm 2020
Giải pháp trong năm 2020
Những điểm sáng kinh tế trong năm 2019 cần được nhân lên và tiếp tục tỏa sáng trong năm 2020. |
Đây là những chỉ tiêu tương đối cao và khá thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro lớn.
Để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững nhằm đạt được các chỉ tiêu trên, yêu cầu đầu tiên là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Đặc biệt, cần theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính - tiền tệ, chủ động, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam.
Theo dõi, quản lý và giám sát các biến động trên thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán… Từ đó có các biện pháp điều chỉnh kịp thời, tránh để xảy ra các biến động bất thường tác động xấu đến nền kinh tế.
Tích cực cơ cấu lại thu chi NSNN, giảm tới mức thấp nhất thâm hụt NS; đẩy mạnh cải cách chính sách thuế, tái cấu trúc và tăng cường hiệu quả chi tiêu công, tích cực giảm thiểu thâm hụt NSNN, giảm bền vững tỷ trọng nợ công và nợ nước ngoài trên GDP.
Thứ hai, cải cách cơ cấu nền kinh tế thực chất hơn, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động và hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.
Coi việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất và chất lượng lao động là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo bàn đạp cho việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của nền kinh tế cho cả giai đoạn 2020-2030.
Thứ ba, tiếp tục coi kinh tế tư nhân là động lực mới để có các chính sách hỗ trợ đặc biệt giúp họ lớn mạnh. Trong thời gian qua, khu vực kinh tế tư nhân đã có sự tăng trưởng bứt phá trên nhiều lĩnh vực, đóng góp khoảng 33% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra trên 42% GDP, nhưng vẫn còn nhiều rào cản và sự đối xử chưa hợp lý để khu vực này được phát triển bình đẳng.
Do đó, cần tập trung vào các DNTN lớn, kích họ lên thành những đầu tàu, dẫn dắt, kết nối được các DNNVV hình thành mạng lưới, dây chuyền sản xuất kinh doanh, đặc biệt phát triển DNNVV trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Từ các DN đầu tàu này tạo động lực cho DNNVV tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, đủ tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động DNNN theo cơ chế thị trường, với những DN mà Nhà nước cần nắm giữ với vai trò quản lý và điều tiết nền kinh tế; tích cực, chủ động phân loại và đẩy mạnh cổ phần hóa DN mà Nhà nước không cần nắm giữ, trao cơ hội để các DNTN tham gia bình đẳng, công khai, minh bạch trong một số lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp điện, nước, xăng dầu… theo cơ chế thị trường.
Đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng thị trường
Đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng thị trường
Trong bối cảnh nhiều quốc gia nâng cao hàng rào bảo hộ thuế quan và phi thuế quan, cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhằm tránh các cú sốc có thể xảy ra khi có sự thay đổi chính sách xuất nhập khẩu, thay đổi chính sách thuế quan và phi thuế quan ở các thị trường mục tiêu.
Việc đẩy mạnh nhập khẩu các máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu từ các quốc gia phát triển, các thị trường mục tiêu xuất khẩu như Mỹ , EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… để vừa có nguồn linh phụ kiện, nguyên vật liệu đầu vào đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu sản xuất các mặt hàng xuất khẩu cao cấp, vừa nâng cao trình độ công nghệ sản xuất và tăng năng suất lao động.
Việc Mỹ đánh thuế rất cao (456,23%) vào một số nhóm mặt hàng thép không rỉ có nguồn gốc Đài Loan, Hàn Quốc và điều tra về mặt hàng nhôm đã đặt hàng loạt mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường Mỹ trước sự kiểm tra ngặt nghèo và các cảnh báo nghiêm trọng.
Điều này đòi hỏi các DN cần tích cực đấu tranh chống hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận thương mại, hàng đội lốt thương hiệu, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu vào các quốc gia đã ký kết các FTA, hoặc đã dành cho hàng Việt Nam các ưu đãi.
Năm 2020 kinh tế thế giới sẽ gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có xu hướng chậm lại, giao thương hàng hóa, dịch vụ có thể sụt giảm. Ở góc độ các DN, đòi hỏi sự tích cực và chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới máy móc thiết bị và dây chuyền công nghệ, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Đồng thời, các DN cần đẩy mạnh liên kết tạo ra chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, đáp ứng các đòi hỏi của các đối tác trong các FTA để được hưởng các ưu đãi do các hiệp định này đem lại. Việc xem xét, thích ứng và tận dụng các cơ hội để tăng trưởng theo các cam kết của các FTA cần được các DN, ngành nghề của nền kinh tế quan tâm nhiều hơn nữa.