Hôm qua 1-8, NHNN công bố dự thảo lần 2 Thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung trong cho vay có bảo lãnh của nh Phát triển Việt Nam (VDB) theo quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vay vốn tại NHTM, ban hành kèm theo Quyết định số 3 của Chính phủ. Dự thảo này kỳ vọng giúp tháo gỡ được phần nào khó khăn vay vốn của DNNVV.
Giảm thiểu thủ tục bảo lãnh
Nghị định 14 của Chính phủ quy định về bảo lãnh cho DNNVV ở VDB triển khai thời gian qua đã gặp nhiều khó khăn do những hướng dẫn trong thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Theo đó, VDB yêu cầu bảo lãnh có điều kiện, tức sau 60 ngày rà soát thấy việc sử dụng vốn của doanh nghiệp, NH không có vấn đề gì mới thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
![]() |
Giao dịch tại một OCB. Ảnh: CAO THĂNG |
Theo các chuyên gia, với yêu cầu này, các NHTM sẽ không dám đứng ra cho vay theo chứng thư bảo lãnh của VDB. Giả sử doanh nghiệp không trả được nợ, NHTM sẽ chịu rủi ro nếu VDB từ chối bảo lãnh sau 60 ngày xét duyệt. Thực tế, thời gian qua đã có nhiều NHTM vướng điều này và bị tồn đọng nợ cho vay bão lãnh của VDB. Tuy nhiên, trong dự thảo sửa đổi lần này đã rút ngắn thời gian xem xét của VDB.
Theo đó, dự thảo quy định trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của NHTM, VDB có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định.
Trường hợp từ chối nghĩa vụ bảo lãnh, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của NHTM, VDB phải có văn bản gửi NHTM về việc từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trong đó nêu rõ lý do từ chối, đồng thời thực hiện chuyển giao tài sản bảo đảm của khách hàng cho NHTM theo quy định.
Ngoài ra, dự thảo thông tư cũng quy định rõ về phân loại và trích lập dự phòng rủi ro, xử lý vi phạm và trách nhiệm của VDB và NHTM. Trong đó, yêu cầu các NHTM phải phối hợp chặt chẽ với VDB trong cho vay bảo lãnh, quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, khó khăn tổng hợp báo cáo về NHNN.
Theo một lãnh đạo NHNN, dù chủ trương ưu tiên cấp tín dụng cho 4 lĩnh vực, trong đó có DNNVV nhưng đến nay các NHTM chỉ tập trung 3 lĩnh vực, còn DNNVV chưa được thụ hưởng bao nhiêu.
Vì thế, để cấp tín dụng cho các DNNVV nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn thông qua hình thức bảo lãnh của VDB, cần thiết phải đánh giá và rà soát lại tình hình thực hiện bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn tại NHTM của VDB. Hiện nay, Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn bảo lãnh của VDB.
Trên cơ sở đó, NHNN sẽ có văn bản hướng dẫn NHTM thực hiện cho vay đối với các đối tượng được VDB bảo lãnh, trong đó có DNNVV.
Không chỉ lãi suất
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, tăng trưởng tín dụng của hệ thống NHTM đến nay chỉ 0,9%, hy vọng hết tháng 7 sẽ ở mức 1%. Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng cho rằng dù NHNN đã tích cực đưa ra các biện pháp nhằm giảm mặt bằng lãi suất cho vay, khơi thông tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, nhưng trong bối cảnh tổng cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu, nợ xấu tiếp tục gia tăng, nên tín dụng đối với nền kinh tế vẫn chưa thể cải thiện.
Tính đến ngày 25-7, dư nợ tín dụng vẫn giảm khoảng 0,1% so với đầu năm. Thông tin từ NHNN, 6 tháng đầu năm NHNN đã mua một lượng lớn ngoại tệ của các NH, theo đó một lượng tiền mặt gián tiếp được cung ứng ra thị trường. Thế nhưng do sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp ở mức thấp nên tín dụng không tăng trưởng.
Điều này buộc NHNN phải hút tiền về thông qua kênh tín phiếu với lãi suất cao hơn 10%/năm. Nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh thủ tục vay vốn cho các kênh ưu đãi DNNVV còn rườm rà, việc các NHTM trì hoãn giảm lãi suất cho vay cũng khiến cho doanh nghiệp, nhất là DNNVV khó vay được vốn.
Tuy nhiên, theo khảo sát nội bộ mới đây của Eximbank, trên 42% doanh nghiệp ở TPHCM có vay vốn tại NH này, trong đó chi phí vốn vay NHTM chỉ chiếm 24% tổng chi phí doanh nghiệp, 76% còn lại là các chi phí khác và chi phí lớn nhất hiện nay nằm trong hàng tồn kho. Hàng tồn kho nhiều dẫn đến vốn không luân chuyển được.
Hết tài sản thế chấp, nhiều doanh nghiệp vay vốn đề nghị thế chấp bằng hàng tồn kho. Sức cầu yếu, sản phẩm sản xuất không có đầu ra, không NH nào dám nhận hàng tồn kho đảm bảo cho các khoản vay.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, không chỉ với kênh VDB, hiện nay vẫn còn nhiều kênh vốn ưu đãi khác trên TPHCM mà DNNVV chưa biết cách tiếp cận. Nếu như trước đây TPHCM hỗ trợ theo kế hoạch ngân sách, theo đó phải tổng hợp dự án cần hỗ trợ trình qua UBND.
Thời gian kéo dài khiến ý tưởng đầu tư phải triển khai chờ quá lâu, không biết có thực hiện được hay không, đã khiến doanh nghiệp bỏ cuộc nên hiệu quả hỗ trợ không cao.
Để kênh vốn này hỗ trợ tốt hơn, TPHCM nên mở ra cơ chế mới thay vì đưa vào ngân sách thành phố. Thí dụ đưa vốn ưu đãi vào một quỹ của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) quản lý. Quỹ này đưa ra điều kiện để tiếp cận và chuyển các điều kiện đó cho các NHTM, NH sẽ hướng dẫn và giới thiệu khách hàng vay vốn ưu đãi.
Khi có dự án đầu tư, doanh nghiệp đưa NH thẩm định, chuyển sang quỹ để xem xét có thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất không. Khi quỹ đồng ý cho doanh nghiệp vay vốn, sự hỗ trợ lãi suất đã được thực hiện hiệu quả hơn.