Những vướng mắc này của doanh nghiệp ngành điện không phải hoàn toàn do cơ quan thuế, mà chủ yếu nằm ở chính sách chưa có sự đồng bộ, thiếu liên kết và thống nhất giữa các bộ, ngành. Sự chồng chéo này gồm quy định pháp luật về thuế cũng như pháp luật về các chuyên ngành hoạt động kinh doanh có điều kiện.
Cụ thể, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng để được hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư ngành điện thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, một trong những thủ tục phải có giấy phép hoạt động điện lực.
Còn theo quy định của Luật Đầu tư, hoạt động phát điện, truyền tải, phân phối, bán buôn, bán lẻ, xuất, nhập khẩu điện, tư vấn chuyên ngành điện lực thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Thế nhưng oái oăm thay, các dự án đầu tư trong ngành điện thường kéo dài và trong giai đoạn đầu tư chưa đi vào hoạt động, nên chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực.
Điều này dẫn đến doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong giai đoạn đầu tư, đã khiến nhiều dự án gặp khó khăn về vốn.
Để tháo gỡ những vướng mắc này, mấu chốt ở đây cần được chỉ ra là chưa có sự liên kết và thống nhất giữa 3 luật: Luật Thuế GTGT, Luật Đầu tư và Luật Điện lực đối với lĩnh vực đầu tư ngành điện.
Theo quy định của Luật Đầu tư, hoạt động phát điện, truyền tải, phân phối, bán buôn, bán lẻ, xuất, nhập khẩu điện, tư vấn chuyên ngành điện lực thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực. Không có giấy phép là một trong các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực.
Còn theo Luật Điện lực, căn cứ Thông tư 21/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép trong lĩnh vực phát điện gồm 10 thủ tục và chậm nhất trước 15 ngày làm việc kể từ ngày dự kiến chính thức vận hành thương mại. Do đó, khi cơ quan thuế áp dụng vào theo đúng các quy định trên, các doanh nghiệp điện lực sẽ khó đáp ứng đủ điều kiện hoàn thuế GTGT.
Doanh nghiệp ngành điện được xem là kinh doanh lĩnh vực đặc thù. Vì thế, thời gian tới các đơn vị liên quan cần ngồi lại với nhau để cùng tháo gỡ những vướng mắc trên, tạo điều kiện nộp thuế và hoàn thuế thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Hiện Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động gồm 11 chương, 98 điều, chứa đựng rất nhiều nội dung quan trọng. Có thể nói, đây là cơ hội để chúng ta có thể xem xét, bổ sung những điều khoản sao cho hợp lý, gỡ rối cho doanh nghiệp.
Về cơ bản, dự thảo thông tư về quản lý thuế lần này đã khắc phục được nhiều nhược điểm so với thông tư ban hành trước đây, trong đó nổi bật nhất là thuế thu nhập, thuế GTGT. Nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại những bất cập, như vẫn còn những điểm cần minh bạch, cụ thể hơn.
Thí dụ, hướng dẫn về các quy định khai tính thuế, quyết toán thuế phân bổ thuế GTGT đối với đơn vị phụ thuộc địa điểm kinh doanh của người nộp thuế chưa rõ ràng.
Đặc biệt, nhiều nội dung liên quan tới những bất cập người nộp thuế đang gặp vướng mắc chưa được đề cập trong dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý thuế. Chẳng hạn, doanh nghiệp không đủ lãi thu theo cam kết và bị phạt thuế thì xử lý ra sao?
Việc khai tạm để tính thuế hiện đang phải nộp đủ 100% là bất hợp lý hay việc phân bổ làm 4 quý để tạm nộp 75% số thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất có đúng không? Đây là những nội dung mà dự thảo thông tư cần bổ sung, làm rõ hơn nữa.