Như vậy, tỷ lệ nghèo tạm thời đã giảm đáng kể vào tháng 5, với thu nhập trung bình đạt 51% mức của tháng 12-2019 (so với chỉ 30% vào tháng 4); song nhóm hộ gia đình có nữ chủ hộ (đối với nhóm hộ có lao động phi chính thức và hộ dân tộc thiểu số) có mức phục hồi thấp nhất.
Các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (DNVNSN) do nữ lãnh đạo bị giảm doanh thu nhiều hơn DNVNSN do nam giới lãnh đạo (vào tháng 4-2020, doanh thu DNVNSN do nữ lãnh đạo chỉ bằng 17% của tháng 12-2019 so với mức 24% của đơn vị do nam giới lãnh đạo). Đáng lưu ý, trách nhiệm xã hội và sự gắn kết mạnh mẽ đã khiến các DNVNSN do phụ nữ lãnh đạo có xu hướng giữ chân người lao động, đặc biệt là lao động nữ, nhiều hơn.
Vẫn theo nghiên cứu nêu trên, tình trạng nghèo tạm thời đã tạo ra nhiều khó khăn trong việc xác định đâu là những người cần đến gói bảo trợ xã hội nhất để góp phần giảm bớt tác động tiêu cực của đại dịch.
Sự thay đổi nhanh chóng tình trạng nghèo dẫn đến việc gói hỗ trợ (vốn dựa trên danh sách người nghèo và cận nghèo được phê duyệt từ tháng 12-2019) đã để “lọt lưới” nhiều hộ gia đình trở nên nghèo và cận nghèo kể từ khi dịch bệnh bùng phát (tháng 3, 4-2020).
Những hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nhất là những hộ có lao động trẻ, đặc biệt là những người có con nhỏ, bà mẹ đơn thân, gia đình phụ thuộc kinh tế vào một người, không có tích luỹ tiết kiệm và chịu gánh nặng tiền thuê nhà, các gia đình có thành viên mắc bệnh hiểm nghèo và đang được điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa, người khuyết tật và người cao tuổi, các hộ gia đình ở khu vực nông thôn (đặc biệt là những hộ có mức thu nhập trung bình thấp)...
Bên cạnh đó, quy trình thủ tục phức tạp trong việc xác định và xác minh điều kiện nhận hỗ trợ cũng khiến cho một số nhóm không thể tiếp cận gói bảo trợ xã hội của Chính phủ…
Đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách, ông Lưu Quang Khánh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, nhấn mạnh, điểm mấu chốt trong ngắn hạn là cần lấy tốc độ thực hiện chính sách làm phương châm hàng đầu để sớm đưa nền kinh tế vào ổn định và tiếp tục phát triển.
Về dài hạn, cần phải có những giải pháp “trên mức bình thường” để thích hợp với trạng thái bình thường mới của nền kinh tế. Các giải pháp cụ thể được đề nghị bao gồm thiết kế các chương trình việc làm công (cung cấp việc làm và thu nhập ngay lập tức cho những người dễ bị tổn thương nhất); chuyển từ hệ thống bảo trợ xã hội theo nơi đăng ký cư trú (dễ bỏ sót đối tượng lao động nhập cư) sang một hệ thống dựa trên đăng ký cư dân cấp quốc gia, ví dụ như thông qua số hóa việc đăng ký và xác minh đủ điều kiện đăng ký các gói hỗ trợ được thực hiện bằng các công nghệ thanh toán kỹ thuật số; cân nhắc cấp ngân sách trung ương bổ sung cho các tỉnh có nguồn lực ngân sách địa phương còn hạn chế để tăng độ bao phủ và đẩy nhanh quá trình thực hiện hỗ trợ…
Cuộc khảo sát lấy mẫu có chủ đích với hơn 900 hộ gia đình dễ bị tổn thương và hơn 900 đơn vị sản xuất kinh doanh dễ bị tổn thương bao gồm hộ kinh doanh và DNVNSN tại 58/63 tỉnh, thành.