Những điều kiện phi thực tế
Trao đổi tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 vừa diễn ra, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cảm thấy khá lo ngại về tác động và hiệu quả của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sau những chuyến đi khảo sát việc thực hiện ở TPHCM, Bình Dương, Hải Phòng và Bắc Giang.
Đến hết tháng 8, khi 1/3 thời gian thực hiện chương trình đã trôi qua nhưng mới chỉ có khoảng 13,5% kinh phí cho chương trình được giải ngân. Điều này cho thấy thực tiễn lại không như mong đợi.
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), cũng lo ngại nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi bị triệt tiêu, vì nhiều đối tượng được hỗ trợ lại không thụ hưởng được chính sách. Khảo sát của nhóm Tư vấn Chính sách của trường, cho thấy không phải tất cả chính sách đều có hiệu quả và tác động nhanh chóng đến doanh nghiệp.
Đơn cử, gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động là chính sách mang đạo lý tốt, nhưng điều kiện của gói hỗ trợ này chỉ dành cho lao động có hợp đồng lao động với doanh nghiệp và có đóng bảo hiểm xã hội. Do vậy phạm vi bao phủ của gói hỗ trợ khá hạn chế và không hướng đúng vào đối tượng lao động nghèo dễ bị tổn thương bởi đại dịch.
Hay có những quy định bất cập, đó là rất nhiều người trong diện được hỗ trợ không có tài khoản ngân hàng, nhất là những người ở vùng sâu vùng xa, nhưng Quyết định 08/2022/QĐ-TTg quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà lại yêu cầu người lao động phải có tài khoản ngân hàng (trừ hợp tác xã), để thực hiện mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước. Quy định này vô hình trung đã trở thành rào cản loại nhiều người lao động ra khỏi phạm vi nhận hỗ trợ.
Chính sách mâu thuẫn, hạn chế lẫn nhau
Thực ra điểm khó khăn nhất trong triển khai gói tín dụng ưu đãi này không phải là nguồn kinh phí, mà là rào cản về thể chế. Đơn cử bên cạnh việc phải chứng minh khả năng chi trả, người đi vay còn phải thuộc diện thu nhập thấp, tức phải có ngưỡng thu nhập không phải chịu áp thuế thu nhập cá nhân mới được xem xét cấp vốn vay.
Điều kiện này vừa mâu thuẫn với điều kiện phải chứng minh được khả năng trả nợ, vừa thu hẹp rất nhiều đối tượng nằm trong diện ưu tiên nhưng không đáp ứng được tiêu chí về thu nhập để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Bởi những đối tượng thu nhập dưới mức nộp thuế thu nhập cá nhân khó đáp ứng được khả năng trả nợ.
Ngược lại, việc áp dụng ngưỡng thu nhập như vậy đã loại bỏ lượng lớn nhu cầu chính đáng của người lao động có khả năng trả nợ tốt. Đơn cử, ở Hải Phòng, lương trung bình của công nhân 11,5 triệu đồng, tức họ đã bị loại khỏi đối tượng được ưu tiên mua nhà ở xã hội. Bởi không có công nhân nào làm ở khu công nghiệp có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng.
Qua khảo sát của Đại học Kinh tế, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê nói: “Điều kiện quá chặt lại chưa rõ ràng, các mục tiêu chưa được cụ thể, thủ tục rườm rà… là trở ngại trong việc thực hiện chương trình phục hồi, làm giảm hiệu quả của chính sách”.
Đến nay vẫn còn có những chính sách chưa có hướng dẫn thực hiện, như quyết định việc giảm tiền thuê đất của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 11/NQ-CP vẫn chưa được ban hành.
Với chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, hầu như các hộ kinh doanh thực sự khó khăn nhưng lại khó tiếp cận, do điều kiện phải có giấy phép đăng ký kinh doanh. Có hộ kinh doanh dịch vụ thuộc diện thu nhập thấp, song không thể tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, vì lý do tỉnh đó chưa quy định mức thu nhập bao nhiêu là thấp. Có doanh nghiệp không được giải ngân vì không có tài sản thế chấp, hay hợp tác xã cũng không tiếp cận được gói hỗ trợ này vì không có hóa đơn đỏ, chỉ có hóa đơn bán lẻ, hợp đồng mua bán.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng chính sách tốt, nhưng các tiêu chí và điều kiện lại phi thực tế, không sát đối với đối tượng được hưởng, nên hiệu quả của chương trình bị ảnh hưởng.
Một số chính sách chậm ban hành hướng dẫn, hoặc hướng dẫn mơ hồ, thiếu cụ thể, hoặc có quá nhiều văn bản hướng dẫn chồng chéo khiến các chủ thể khó thực hiện. Chính sách còn có sự mâu thuẫn, hạn chế lẫn nhau như công bố gói hỗ trợ lãi suất nhưng giới hạn mức tín dụng.
“Tuy đạo lý là hỗ trợ đối tượng khó khăn, nhưng tiêu chí xét duyệt lại hướng tới doanh nghiệp khỏe mạnh, tài chính tốt. Không thể để các chính sách tốt, cần cho doanh nghiệp lại không thể đến với doanh nghiệp, thậm chí làm khó doanh nghiệp chỉ vì thủ tục hành chính hay tư duy không phù hợp. Nếu không sớm khắc phục, con đường phục hồi sẽ trở nên khó khăn hơn” - TS. Nguyễn Đình Cung nói.
Nếu doanh nghiệp không thụ hưởng được chính sách, nguy cơ hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế bị triệt tiêu, con đường phục hồi sẽ còn gian nan. |