Vấn đề dư luận đặt ra là cần cung cấp cho doanh nghiệp, người dân hướng đi, cách đi, cung cấp "cần câu" chứ không phải "con cá".
Những lo ngại
Mặc dù chiếm nguồn lực tới hơn 40% tổng gói phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ đồng, vẫn còn nhiều lo ngại đối với 2 mục tiêu này.
Thứ nhất, nguồn lực đối với việc hỗ trợ việc làm và an sinh xã hội có thể không đủ. Ngoài ra, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Trọng Nghĩa cũng bày tỏ ý kiến lo ngại rằng, với những đối tượng được xác định như chính sách đề ra, khu vực phi chính thức và nhóm yếu thế sẽ khó có thể nhận được hỗ trợ kịp thời.
Thứ hai, có lo ngại rằng gói hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh có thể bị rơi vào tình trạng chi sai mục đích, khiến nguồn vốn đầu tư lại chảy vào chứng khoán và bất động sản. Bài học của gói kích thích kinh tế 2009 được một số chuyên gia và ĐBQH viện dẫn để chỉ ra rủi ro của vấn đề này.
Đây không chỉ là nỗi lo và khả năng xảy ra, mà thực tế triển khai gói hỗ trợ kinh tế ở một số nước trên thế giới đã cho thấy rủi ro này là có thật. Đầu năm 2022, Mỹ đã phát hiện nhiều trường hợp lừa đảo tiền trợ cấp Covid-19 của chính phủ cho doanh nghiệp.
Thí dụ nổi bật là Andrew Lloyd ở bang Oregon đã lừa 3,4 triệu USD của chính phủ, thông qua việc làm giả các đơn xin hỗ trợ dưới danh nghĩa doanh nghiệp của bà con, bạn bè (không được họ cho phép) để lấy tiền, rồi đem tiền đó đi mua cổ phiếu Tesla.
Khi nhà chức trách tịch thu số cổ phiếu Tesla này của ông Lloyd, giá trị thị trường của chúng là 11 triệu USD (đến đầu 2022 ước tính hơn 16 triệu USD).
Ông Lloyd chỉ là một trong hàng trăm người ở Mỹ đang bị truy tố vì đã trục lợi gói hỗ trợ Covid-19 cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Mỹ, thí dụ chương trình cho vay (hoặc cho luôn tiền) để trả lương cho nhân viên - còn gọi là PPP (Paycheck Protection Program).
Hãng tin CNBC cho biết số tiền người ta trục lợi từ các gói hỗ trợ Covid-19 đã lên đến 100 tỷ USD vào cuối năm 2021, và con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên khi nhiều trường hợp mới được phát hiện.
Đó là những bằng chứng cho thấy nỗi lo của các chuyên gia và ĐBQH là có thể thành sự thật.
Nhưng ở đây cần góc nhìn khác đi với vấn đề này. Ở Mỹ, cứ chi tiền ra theo quy trình đơn giản, trong mấy ngàn tỷ USD chi ra thất thoát vài trăm tỷ USD nhưng đã có hàng ngàn tỷ USD chi đúng và giải cứu được nhiều doanh nghiệp, giữ lại những bộ phận quan trọng trong chuỗi cung ứng của nền kinh tế, làm tiền đề cho năm tăng trưởng tốt nhất nhiều thập niên của 2021.
Thiếu những gói cứu trợ đó sẽ không có cú “bật lò xo” của 2021. Tất nhiên đi kèm theo nó là lạm phát và sự bùng nổ của giá tài sản.
Linh hoạt chính sách, đơn giản quy trình
Linh hoạt chính sách, đơn giản quy trình
Nhưng công bằng mà nói, không có những gói cứu trợ lớn như những nước này, dòng tiền ở Việt Nam cũng đã đổ mạnh vào cổ phiếu và tiền mã hóa trong năm qua. Bởi lẽ, xu thế chung toàn cầu là lãi suất thấp và đứt gãy chuỗi sản xuất trong nền kinh tế kéo dài, người ta phải tìm cái gì khác để đồng tiền sinh lợi.
Vì vậy, nếu đưa ra quy trình quá chặt và phiền toái từ đầu, cũng như khung pháp lý có tính răn đe quá lớn ngay từ đầu, sợ rằng không ai dám giải ngân tiền và cuối cùng tiền vẫn chỉ loanh quanh ở những doanh nghiệp lớn, có thừa nguồn lực, trong khi doanh nghiệp nhỏ không tiếp cận được vốn hỗ trợ.
Vai trò hậu kiểm là quan trọng, như cách các cơ quan chuyên trách của Mỹ đang tiến hành điều tra và khởi tố lừa đảo. Nhưng ngay từ đầu không thể làm đến mức khiến ai cũng quá sợ mình làm sai nên không dám vay hay không dám cho vay.
Vì vậy, quy trình phải rõ ràng, đơn giản, không thể “hiểu sao cũng được”, và phải tạo điều kiện cho người tiếp cận vốn cũng như bên giải ngân thuận tiện nhất có thể.
Ở góc nhìn khác, nếu có những e ngại và trắc trở như trên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như thành phần kinh tế phi chính thức sẽ khó tiếp cận vốn hỗ trợ. Vì vậy, yếu tố quan trọng nhất để giúp họ không còn là làm sao đưa tiền đến với họ nữa, mà phải làm sao để họ có thể quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh sớm nhất, ít bị phiền toái nhất có thể. Với nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh, họ chỉ cần được yên ổn làm ăn là sự hỗ trợ lớn nhất rồi.
Muốn vậy, tư duy “mở rồi đóng”, “cấm đoán” và sợ dịch (thực tế là sợ trách nhiệm) cần phải được loại bỏ. Làm được như vậy có khi còn tốt hơn khoản hỗ trợ ngàn tỷ.
Vấn đề là, có khi thay đổi những thứ đó còn khó hơn chi ra mấy ngàn tỷ đồng. Bởi có những nơi cán bộ vẫn không chiến thắng được nỗi sợ trách nhiệm và cách tư duy “bánh mì không phải thiết yếu” một cách máy móc. Làm đúng quy trình, quy định, nhưng thực hiện một cách máy móc, việc giúp đỡ nhân dân và doanh nghiệp sẽ khó có những thay đổi quan trọng.
Mà trong tình huống đó, mấy ngàn tỷ đồng hỗ trợ có đến tay người cần nó cũng chỉ là cầm hơi trong ngắn hạn. Cần câu cơm dài hạn của những người gặp khó khăn vẫn bấp bênh theo cách làm của người thực thi chính sách.
Doanh nghiệp, người dân cần được hoạt động kinh doanh bình thường, nên tư duy “mở rồi đóng”, “cấm đoán” và sợ dịch (thực tế sợ trách nhiệm) phải được loại bỏ. Làm được như vậy có khi còn tốt hơn khoản hỗ trợ ngàn tỷ. |