Tuy nhiên, gói thầu thiết kế bản vẽ thi công và thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị cho nhà ga hành khách với công suất 25 triệu khách/năm (gói thầu 5.10, trị giá 35.000 tỷ đồng), đang trở nên hết sức nóng bỏng.
2 lần mời thầu và nhiều lần gia hạn
Đồ họa: NGỌC MINH
Gói thầu 5.10 của dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1, do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư là một trong những gói thầu xây lắp và cung cấp thiết bị lớn nhất trong lĩnh vực hàng không cũng như xây dựng hạ tầng kỹ thuật cao từng được triển khai tại Việt Nam. Mới đây, ACV đã xin lùi tiến độ khai thác giai đoạn 1 vào năm 2026 do việc đấu thầu gói thầu nhà ga sân bay Long Thành bị chậm, thời gian hoàn thành được đề xuất trong 39 tháng.
Trong hồ sơ mời thầu gói thầu 5.10, nhiều tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm khắt khe đã được chủ đầu tư đưa ra. Trước hết, giá trị tài sản ròng của nhà thầu trong năm tài chính gần nhất so với thời điểm đóng thầu phải dương; doanh thu bình quân 5 năm tài chính (không bao gồm thuế VAT) có giá trị tối thiểu 19.800 tỷ đồng; nguồn lực tài chính thực hiện gói thầu có giá trị là 3.244 tỷ đồng; từ ngày 1-1-2011 đến thời điểm đóng thầu, nhà thầu phải hoàn thành tối thiểu 1 công trình nhà ga hành khách trong cảng hàng không cấp đặc biệt, hoặc công trình kết cấu dạng nhà cấp đặc biệt, có giá trị lớn hơn hoặc bằng 14.798 tỷ đồng.
Hồ sơ mời thầu còn yêu cầu hàng trăm nhân sự cao cấp với kinh nghiệm và các chứng chỉ, trình độ chuyên môn bậc cao trong các nhóm thi công công trình, nhóm lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công. Đặc biệt, hồ sơ dự thầu yêu cầu đề xuất biện pháp thi công, biểu đồ tiến độ… Hình thức đấu thầu gói thầu 5.10 là đấu thầu rộng rãi quốc tế, không qua mạng, không sơ tuyển. Phương thức lựa chọn nhà thầu là một giai đoạn 2 túi hồ sơ.
Một góc mặt bằng sân bay Long Thành, ngày 9-7-2023. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Về tiến độ mời thầu, ngày 20-9-2022, ACV đăng tải thông báo mời thầu lần thứ nhất, tuy nhiên thời điểm đóng thầu (8-11-2022) chỉ có một nhà thầu nộp hồ sơ. Sau đó, ACV gia hạn thêm 2 lần nhưng cũng chỉ có 1 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu. Tiếp đó, ngày 19-1-2023, ACV phát hành hồ sơ mời thầu lần 2 đối với gói thầu 5.10 nhưng vẫn phải tiếp tục gia hạn thời gian nộp hồ sơ dự thầu.
Đến ngày 12-6, ACV đóng thầu với 3 liên danh nộp hồ sơ dự thầu, gồm Liên danh CHEC - BCEG - Vietnam Contractors do nhà thầu Trung Quốc đứng đầu, Liên danh Hoa Lư do nhà thầu Coteccons (CTD) đứng đầu và có thành viên là nhà thầu Thái Lan, Liên danh Vietur do nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu cùng một số thành viên thuộc doanh nghiệp Newtecons và Tổng công ty Vinaconex. Đầu tháng 8, ACV công bố chỉ Liên danh Vietur đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
Trả lời PV Báo SGGP là vì sao không có những nhà thầu quốc tế “sừng sỏ” tham gia đấu thầu gói 5.10, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, việc đấu thầu để chọn nhà thầu xây nhà ga là quá trình cạnh tranh, nằm ngoài ý muốn chủ quan của chủ đầu tư và do thị trường quyết định. Bộ GTVT đã tổ chức rất nhiều hội nghị tiền đấu thầu, có nhiều nhà thầu quốc tế quan tâm, nhưng việc mời thầu vẫn gặp khó khăn do quy định đơn giá theo tiêu chuẩn Việt Nam, trong khi nhà thầu quốc tế có đơn giá, lương cao hơn nên giá bỏ thầu cao.
Tố “không đủ năng lực”
Điều bất ngờ đã xảy ra khi nhà thầu thua cuộc là Liên danh Hoa Lư đã có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi lãnh đạo các cấp về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc đấu thầu gói thầu 5.10. Theo Liên danh Hoa Lư, “có bằng chứng cho rằng thành viên đứng đầu Liên danh Vietur đã vi phạm quy định về đấu thầu và không đủ tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật gói thầu 5.10”.
Cụ thể, doanh nghiệp đứng đầu Liên danh Vietur là IC Holdings (Thổ Nhĩ Kỳ) vướng nghi vấn tham nhũng và đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra kỹ nhân thân của chủ tịch; có lịch sử thi công chậm nhiều công trình, bị chấm dứt các dự án lớn và kiện tụng chủ đầu tư; cần xác thực đối với kinh nghiệm xây dựng sân bay của IC Holdings.
Liên danh Hoa Lư cũng cho rằng, theo thông lệ quốc tế, chủ đầu tư trước khi quyết định các yếu tố kỹ thuật có điểm liệt phải công khai yêu cầu công ty dự thầu giải thích, cung cấp thêm để đảm bảo tính khách quan. Việc chọn duy nhất Liên danh Vietur vào vòng xét mở hồ sơ tài chính có thể dẫn đến nguy cơ không đảm bảo tính cạnh tranh công bằng về giá (yếu tố chiếm tỷ trọng 85% điểm trong tổng điểm lựa chọn đơn vị trúng thầu).
Do đó, kiến nghị cơ quan chức năng chỉ đạo bên mời thầu dừng mở hồ sơ tài chính gói thầu 5.10, đề nghị thẩm tra lại năng lực của các liên danh nhà thầu hoặc mời đơn vị độc lập thứ ba, tư vấn quốc tế đánh giá lại hồ sơ kỹ thuật dự thầu các bên.
Mặt bằng thi công sân bay Long Thành ngày 9-7-2023. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Sau khi nhận được kiến nghị của Liên danh Hoa Lư, ngày 6-8, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan, trong đó nêu rõ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao ACV, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; các bộ GTVT, KH-ĐT xem xét, giải quyết đơn kiến nghị của Liên danh Hoa Lư.
Ngày 9-8, ACV có văn bản phản hồi khẳng định, quá trình chấm thầu đã đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật căn cứ theo những tiêu chí, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Các hồ sơ trong quá trình chấm thầu đều do tổ chuyên gia, đơn vị độc lập đánh giá; đang ở giai đoạn chấm thầu.
Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng cho biết, việc đấu thầu gói 5.10 đã thực hiện theo đúng quy định và theo kế hoạch, dự kiến sẽ hoàn thành công tác chọn nhà thầu để ký kết hợp đồng ngay trong tháng 8 và khởi công ngay sau đó.
Đề nghị ACV làm rõ kiến nghị về gói thầu 35.000 tỷ đồng
Ngày 14-8, Bộ KH-ĐT cho biết đã yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm rõ kiến nghị của liên danh nhà thầu Hoa Lư sau khi bị loại khỏi vòng hồ sơ kỹ thuật gói thầu 5.10 sân bay Long Thành.
Theo Bộ KH-ĐT, ACV cần xem xét các nội dung kiến nghị của liên danh nhà thầu Hoa Lư để giải quyết đúng quy định, không làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện gói thầu, dự án. Việc giải quyết kiến nghị trong quá trình chọn nhà thầu cần tuân thủ Luật Đấu thầu. Cụ thể, theo Điều 91 Luật Đấu thầu, nhà thầu gửi đơn kiến nghị trước khi có kết quả chọn nhà thầu, chủ đầu tư phải có văn bản giải quyết đến nhà thầu trong 7 ngày làm việc.
Trường hợp không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị, nhà thầu có quyền gửi đơn kiến nghị tới cấp có thẩm quyền cao hơn, là Bộ GTVT, và sẽ được nhận văn bản trả lời trong 5 ngày làm việc. Sau khi chủ đầu tư công bố kết quả chấm thầu, nhà thầu cũng có quyền tiếp tục kiến nghị nếu không đồng ý với kết quả này. Cũng theo Luật Đấu thầu, trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết kiến nghị, nhà thầu có quyền khởi kiện ra tòa.