Khó khăn bủa vây doanh nghiệp
Trong các cuộc họp lớn nhỏ gần đây liên quan đến chương trình này, đại diện các NH đã chỉ ra rất nhiều khó khăn trong giải ngân, như rào cản pháp lý khi triển khai các dự án NoXH. Một số doanh nghiệp (DN) phản ánh, tổng thời gian hoàn thành thủ tục dự án NoXH từ lúc bắt đầu triển khai đến khi khởi công thường khoảng 2 năm.
Vướng mắc tiếp là khả năng đáp ứng của chủ đầu tư như năng lực tài chính, tài sản bảo đảm, tính thanh khoản của dự án. Đã vậy giới hạn về tỷ suất lợi nhuận của các dự án NoXH bị khống chế ở mức 10%, nên chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư…
Đại diện Tập đoàn Vingroup cho biết, vừa qua Vinhomes đã khởi công xây dựng 4 dự án NoXH tại Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Trị và Khánh Hòa, dự kiến sẽ bổ sung thêm hơn 10.000 căn và đang tiếp tục thực hiện các thủ tục pháp lý để có thể sớm khởi công các dự án tại Hà Nội, Hưng Yên, Hà Tĩnh, TPHCM…
Theo lãnh đạo Tổng công ty Becamex, trong năm 2024 này, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục khởi công thực hiện 10.000 căn NoXH. Tập đoàn Hoàng Quân đã đăng ký 50.000 căn trong chương trình 1 triệu căn NoXH, hiện đang triển khai 12 dự án và năm 2024 sẽ hoàn thành 3.000 căn tại Tây Ninh, Bình Thuận và Trà Vinh.
Tuy nhiên, con đường phát triển NoXH cũng lắm gập ghềnh. Đang tham gia phát triển các dự án NoXH, ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch Tập đoàn Phú Cường cho biết, về chính sách Chính phủ đã đưa ra nhiều gói ưu đãi, nhiều gói hỗ trợ lãi suất, và các NH cũng đã có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ cho DN.
Tuy nhiên “trên trải thảm, dưới rải đinh”, đó là thủ tục hành chính quá nhiêu khê. Thực tế khi triển khai, có những dự án đã có hai đến ba chục con dấu vẫn không triển khai được. Nguyên nhân là cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm vì lợi ích chung.
Đó là câu chuyện khó về đất, còn để xác định đối tượng mua NoXH cũng là những rào cản ngăn cản chuyển động của thị trường này. TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, tiền tệ quốc gia cho biết, nếu những nơi có sẵn quỹ đất để DN xây dựng NoXH sẽ thuận lợi hơn, vì đi kèm đó là các chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi vốn.
Nhưng đa số các đô thị lớn như TPHCM lại không có quỹ đất công, nếu có ở các vùng ven xa trung tâm, trong khi người mua NoXH phần lớn là những người bám đô thị để sống, dự án ở quá xa sẽ khó bán được.
Chính vì vậy, DN có sản phẩm phải đi tìm đối tượng mua, xác định đúng các tiêu chí như có chứng nhận chưa có chỗ ở, chứng minh thu nhập tối thiểu 11 triệu đồng trở xuống, có cư trú tại địa phương… mất rất nhiều thời gian.
Lãi suất cũng góp phần chậm dòng chảy của gói 120.000 đồng. Một NH cho biết, một trong các lý do giải ngân thấp là vì các DN muốn thực hiện dự án bằng vốn tự có trước, chưa muốn dùng đến vốn vay NH. Không khó để hiểu về lựa chọn của DN trong trường hợp này, vì mức lãi suất khởi đầu của gói này 8,2%/năm đối với người dân và 8,7%/năm cho các nhà kinh doanh bất động sản.
Thế nhưng, lãi suất ưu đãi với DN ở mức 8%/năm đã “lạc hậu” so với thị trường, hiện có các NH cho vay mua nhà với lãi suất chỉ 6,9%/năm, thấp hơn nhiều mức lãi suất ưu đãi.
Hơn nữa, người vay cũng lo vì chính sách lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng thời gian ngắn (3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân). Hết thời gian ưu đãi này, lãi suất cho vay do NH và khách hàng tự thỏa thuận. Ở thời điểm này, các NH sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay như thế nào vẫn khó xác định được, đó là một rủi ro phải cân nhắc.
Chính sách và NH chưa gặp nhau
Được biết cho đến nay chỉ mới có sự đồng tình của 4 NHTM có vốn nhà nước và một NHTMCP nữa tham gia, với tổng giá trị gói này là 125.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy, nếu gói tín dụng này thực sự hấp dẫn, các NH đã đua nhau nhập cuộc chứ không thưa thớt như hiện tại.
Trong thời gian qua, tín dụng tăng rất chậm và nhà băng rất cần giải ngân, nhưng với gói này các NH lại thấy nếu tham gia sẽ cho vay đối với người có thu nhập thấp, những khách hàng có mức độ rủi ro cao nhưng lãi suất cho vay thấp hơn thị trường. Đó là một hoạt động kinh doanh không có lợi.
Giữa hàng loạt rào cản như vậy, câu chuyện khai mở lối đi cho gói 120.000 tỷ đồng nói riêng và phát triển NoXH nói chung, đang trở thành câu chuyện nóng bỏng. Hiện các chuyên gia và DN đang đề xuất hạ lãi suất cho vay để đầu tư xây dựng và cho vay mua, thuê NoXH. Đồng thời, đề xuất Chính phủ nghiên cứu thực hiện cấp bù lãi suất 1-2% cho các NH để NH cam kết duy trì mức lãi suất cụ thể, giúp DN chủ động hơn.
Nói cách khác, muốn phát triển NoXH, Nhà nước phải hỗ trợ nguồn lực thay vì chỉ ban hành chính sách và giao cho thị trường tự vận động. Có thể lấy nguồn từ gói hỗ trợ lãi suất 2% quy mô 40.000 tỷ đồng không giải ngân được, Chính phủ trình Quốc hội đề nghị chuyển gói này sang chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Vì nếu tiếp diễn quy định các NHTM tự thu xếp vốn cho vay lãi suất thấp với đối tượng thu nhập thấp như hiện nay, gói này vẫn khó giải ngân như mong đợi.
Nếu để gói 120.000 tỷ đồng “chết yếu” như gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2%/năm sẽ rất đáng tiếc. Trong khi đó các dự án NoXH đang dần được cấp phép nhiều hơn. Nếu cung tăng lên nhưng cầu không tăng do lãi suất cao, người mua khó tiếp cận vốn, sẽ gây ra khủng hoảng thừa cho thị trường. Giải bài toán khai thông gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là vấn đề cần làm nhanh, làm ngay để không lãng phí những nguồn lực sẵn có.