Từ đó, đa số người gửi tiền đang mong đợi thông tư sửa đổi thông tư 04 năm 2011 của Ngân hàng Nhà nước cần sớm hoàn thiện, ban hành.
Cần phù hợp thông lệ quốc tế
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nếu rút trước hạn, dù khách gửi kỳ hạn 1 hay 36 tháng nhưng mức lãi suất rút trước hạn chỉ 0,2-0,3%/năm là rất thiệt thòi cho khách hàng. Dự thảo thông tư mới đã đề xuất khách hàng có thể rút trước một phần tiền gửi trong trường hợp cần thiết. Lãi suất số tiền rút trước hạn sẽ là lãi suất không kỳ hạn thấp nhất tại thời điểm rút. Nhưng phần tiền còn lại vẫn sẽ được hưởng lãi suất theo thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng.
Quy định mới được các chuyên gia đánh giá khá tích cực hơn, phù hợp với tình hình thực tế và thông lệ quốc tế. Ông Nguyễn Quốc Hùng nhận định nội dung dự thảo sẽ đáp ứng nhu cầu của người gửi tiền.
Ghi nhận trên thị trường, không chỉ áp dụng mức lãi suất không kỳ hạn thấp nhất đối với tiền gửi tiết kiệm rút trước hạn, nhiều tổ chức tín dụng còn quy định sẽ thu hồi lại tiền lãi khách hàng nhận được với sổ đã nhận lãi trước khi hoàn trả tiền gốc. Thậm chí, có ngân hàng còn quy định khách hàng sẽ phải trả phí nếu rút trước hạn...
Sớm quy định tăng quyền lợi người gửi tiền
Để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và hệ thống ngân hàng huy động, thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi của dân cư, nhất là trong bối cảnh lãi suất tiền gửi thấp như hiện nay và dự báo ổn định cho cả năm sau, việc thay đổi là cấp thiết.
Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu cho phép tổ chức tín dụng được thỏa thuận với khách hàng về lãi suất đối với phần tiền gửi rút trước hạn thay vì áp dụng lãi suất không kỳ hạn như dự thảo nêu. Có thể khách hàng phải báo trước một thời gian nhất định với ngân hàng khi rút trước hạn món tiền lớn để phía ngân hàng còn chủ động nguồn tiền. Còn đối với phần tiền còn lại gửi đúng hạn, lãi suất cần áp dụng như mức lãi suất ghi trong sổ.
Nếu quy định như trên được áp dụng sẽ đảm bảo khách hàng không chỉ chọn kênh gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng mà còn yên tâm gửi kỳ hạn dài trên 6 tháng - 1 năm hoặc lâu hơn, thay vì như lâu nay phải xé thành các món nhỏ với kỳ hạn gửi ngắn 1 - 3 hay dưới 6 tháng để lỡ có việc cần đến tiền còn rút ra. Các ngân hàng, rộng ra là nền kinh tế sẽ có thêm dòng vốn dài hạn phục vụ đầu tư.
Chính sách cũng có thể thiết kế linh hoạt hơn, cho người dân được chọn. Hoặc là theo hướng trên, hoặc nếu người dân phải rút toàn bộ số tiền trước hạn, họ có thể thỏa thuận với ngân hàng được hưởng theo kỳ hạn mà sổ đã đạt được. Ví dụ gửi kỳ hạn 6 tháng, nhưng đến tháng thứ 4 đã rút, họ có thể hưởng lãi suất 3 tháng (mức lãi cụ thể có thể theo thỏa thuận, thấp hơn mức lãi suất 3 tháng thông thường).
Thực tế, nhiều năm trở lại đây, các ngân hàng ngày càng cạnh tranh gay gắt bằng chất lượng dịch vụ và mức lãi suất để thu hút nguồn vốn của dân cư và các tổ chức kinh tế. Để hệ thống tổ chức tín dụng đảm bảo là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế thì trước tiên chính sách cần tạo thuận lợi để khơi thông nguồn vốn, trước hết là hỗ trợ đầu vào - kênh huy động vốn.