“Ví dụ tôi là một người dân từ TPHCM muốn ra Hà Nội làm việc, tôi đã tiêm đủ vaccine và đáp ứng các điều kiện để đi máy bay, nhưng ra đến Hà Nội, địa phương bắt cách ly tập trung 7 ngày thì tôi ra còn ý nghĩa gì nữa, vì công việc không thể giải quyết được”, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, đặt ra tình huống giả định khi trao đổi với Zing, để nói về bất cập trong quy định mà Hà Nội ban hành.
"Chẳng khác gì không cho người ta đi"
Khi Chính phủ quyết định thí điểm mở lại các đường bay nội địa từ ngày 10 đến 20/10, Hà Nội cũng thống nhất tổ chức khai thác đường bay với TPHCM và Đà Nẵng, tần suất một chuyến khứ hồi/ngày. Trước đó, khi Bộ GTVT xin ý kiến, địa phương này đã từ chối mở lại đường bay đến Nội Bài.
Đi kèm với quyết định mở lại đường bay, Hà Nội đặt ra yêu cầu với hành khách từ sân bay Tân Sơn Nhất ra Nội Bài phải cách ly 7 ngày tại khu tập trung hoặc các cơ sở lưu trú (khách sạn) do TP công bố. Sau thời gian cách ly tập trung, hành khách tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.
“Quy định đó chẳng khác gì không cho người ta đi, hay còn gọi là làm khó người dân, bởi quy định không dựa trên nguyên tắc sống chung, sống an toàn với dịch”, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nêu quan điểm. Theo ông, Chính phủ đã quán triệt thay đổi tư duy phòng chống dịch trên cơ sở thích ứng an toàn với dịch, song giải pháp Hà Nội áp dụng không thay đổi so với trước đây.
"Mở đường bay mà lại đi kèm quy định bắt cách ly tập trung, như vậy thì ai dám đi?", PGS.TS Nguyễn Việt Hùng.
Không chỉ Việt Nam mà hầu hết quốc gia trên thế giới mong chờ sớm được tiêm vaccine, vì thực tế chứng minh ở nhiều nước đã cho thấy hiệu quả của việc tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19. Những người này ít có khả năng lây nhiễm hơn, và nếu có cũng không bị nặng. Họ được xếp vào nhóm có nguy cơ thấp.
Vì vậy, theo ông Hùng, nhiều nước áp dụng chính sách cấp “thẻ xanh vaccine” để những người tiêm đủ 2 mũi có điều kiện hoạt động trước, song ở Việt Nam, giải pháp này chưa được áp dụng triệt để.
Liên hệ tới câu chuyện Hà Nội vẫn bắt hành khách đi máy bay từ TP.HCM cách ly tập trung 7 ngày, ông Hùng cho rằng đó là quy định bất hợp lý.
“Hành khách đi máy bay phải đảm bảo đủ điều kiện tiêm đủ 2 mũi vaccine, có xét nghiệm âm tính, khai báo y tế đầy đủ và thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống dịch. Tức là chúng ta có kiểm soát chứ không để người dân đi lại tự do, vậy thì cớ gì Hà Nội cho mở đường bay mà lại đi kèm quy định bắt cách ly tập trung, như vậy thì ai dám đi?”, ông Hùng đặt vấn đề.
Chuyên gia cho rằng việc Hà Nội quy định người dân từ TPHCM ra Hà Nội phải cách ly tập trung 7 ngày dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine là không hợp lý. Ảnh:Thạch Thảo. |
Ông đánh giá nếu tư duy, quy định như vậy sẽ rất nguy hiểm, vì TPHCM và Hà Nội là 2 đầu cầu lớn nhất cả nước, nếu không thể thông thương sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội.
Theo ông, ngoài yêu cầu thống nhất lưu thông trên toàn quốc, các địa phương không được ban hành giấy phép con, không được cát cứ, Chính phủ, Thủ tướng cũng đã quán triệt việc thay đổi tư duy chống dịch, chuyển từ “Zero Covid” sang sống thích ứng an toàn với dịch, nên không thể “ai ở đâu ở đó” mãi được. Vì vậy, Hà Nội cần thay đổi giải pháp trong việc này.
Ủng hộ quan điểm của PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, một chuyên gia y tế khác cho rằng Bộ Y tế đã có hướng dẫn chi tiết quy định về cách ly, song thực tế nhiều địa phương vì muốn an toàn nên vẫn “mạnh ai nấy làm”, mỗi nơi một kiểu.
“Đã từ bỏ 'Zero Covid' thì phải có rủi ro, và phải kiểm soát rủi ro đó bằng các biện pháp khác chứ không phải mãi cấm đoán và ban hành các quy định gây khó cho giao thương, đi lại”, vị chuyên gia này nói.
Thận trọng thiếu căn cứ
Nhìn rộng hơn để đánh giá về lộ trình mở cửa của Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng thành phố đang quá thận trọng, nhưng “thận trọng thiếu căn cứ”. Vì với việc chuyển chiến lược và tư duy chống dịch, các giải pháp cũng cần có thay đổi tương ứng.
“Hà Nội có thể mở lại bất kể dịch vụ gì như trước đây, chỉ cần có điều kiện đi kèm. Là thành phố lớn, Hà Nội không thể cứ ngồi chờ an toàn tuyệt đối mới mở cửa”, ông Hùng nêu quan điểm.
Ông nhấn mạnh việc nới lỏng và cho mở cửa trở lại với các hoạt động kinh doanh có ý nghĩa rất quan trọng sau thời gian dài giãn cách xã hội.
Ví dụ, ngay bây giờ có thể mở cửa hàng kinh doanh, ăn uống tại chỗ với các điều kiện đi kèm như mở ở nơi có nguy cơ thấp, đảm bảo đủ điều kiện, người được làm việc là những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc là F0 đã khỏi bệnh.
“Phải tiếp cận trên tư duy thêm một hoạt động, một cửa hàng được mở lại, thêm một người dân được làm việc là thêm nguồn lực, lãnh đạo phải mừng vì việc đó”, ông Hùng chia sẻ.
Nhiều hoạt động tại Hà Nội vẫn đóng cửa do thành phố chưa có lộ trình nới lỏng sau thời gian dài giãn cách. Ảnh:Duy Hiệu. |
Theo ông, song hành với chiến lược vaccine là phải mở cửa. Bởi dù vacicne không phải giải pháp phòng ngừa tuyệt đối, người đã tiêm vaccine cho thấy rõ hiệu quả.
Dẫn chứng con số Việt Nam đã tiêm được hơn 51 triệu liều vaccine, vị chuyên gia thấy buồn khi Hà Nội và nhiều địa phương vẫn chọn cách quá an toàn, thận trọng là đóng cửa. “Làm như vậy sẽ mất đi giá trị, ý nghĩa của việc nỗ lực tiêm vaccine cho toàn dân”, ông Hùng nói.
Do đó, chuyên gia này đề xuất sớm ban hành nghị quyết của Chính phủ về hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.
“Chính phủ cần sớm ban hành và quy định bắt buộc các địa phương phải thực hiện thống nhất, nơi nào không làm phải chịu trách nhiệm”, ông Hùng nêu kiến nghị. Nếu không làm tốt việc này, ông cho rằng sẽ lại tái diễn tình trạng cát cứ ở mỗi địa phương, các tỉnh, thành sẽ lạm dụng khi được phân quyền để đưa ra quy định làm khó người dân.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh chống dịch, phát triển kinh tế hay vấn đề đi lại của người dân đều là vấn đề của quốc gia, không phải của từng tỉnh nên các địa phương không thể mãi chọn cách đóng cửa để giữ an toàn cho mình.
“Hà Nội cũng như nhiều nơi khác phải tính ngay lộ trình mở cửa. Đồng ý là khi mở ra sẽ có nguy cơ, nhưng phải áp dụng biện pháp phòng ngừa khác thay vì cấm đoán, không thể chờ hết nguy cơ vì chậm ngày nào thiệt hại ngày đó. Thêm một hoạt động được mở là thêm lợi cho thành phố, cho đất nước”, ông Hùng chia sẻ.