Hà Nội điều chuyển luồng tuyến xe “không vì nhóm lợi ích”

(ĐTTCO) - UBND TP Hà Nội khẳng định như vậy trong báo cáo gửi Thủ tướng về việc điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh trên TP. 

 
Xe khách đông đúc tại bến xe Mỹ Đình thời điểm chưa điều chuyển - Ảnh: LÂM HOÀI
Xe khách đông đúc tại bến xe Mỹ Đình thời điểm chưa điều chuyển - Ảnh: LÂM HOÀI

TP cũng khẳng định chủ trương này thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT và đã được TP nghiên cứu, lên phương án từ đầu năm 2016. Ngoài ra, việc điều chuyển nhằm giảm ùn tắc trước Tết Nguyên đán 2017 và phục vụ cho sự kiện APEC trong năm.

“Việc điều chuyển luồng tuyến nằm trong kế hoạch bảo vệ chung của TP, phục vụ lợi ích chung cho TP, không vì bất cứ một nhóm lợi ích nào” - báo cáo gửi Thủ tướng dẫn lời Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu rõ.

Đã điều chuyển 623 nốt xe

Hà Nội đã thực hiện điều chuyển 623/681 nốt (giờ) các tuyến của 24/26 tỉnh, thành đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát nhằm giảm ùn tắc trên đường vành đai 3 và đảm bảo đúng quy hoạch giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Có 5 nốt của 5 đơn vị (Gia Lai, Thanh Hóa, Hà Tĩnh) đã tự ý bỏ, 53 nốt của tuyến Hà Nội - Ninh Bình chưa thực hiện việc điều chuyển.

Trong quá trình thực hiện điều chuyển, song song với việc thông tin, tuyên truyền cho các doanh nghiệp, TP tổ chức các tuyến xe buýt kết nối các bến xe, từ bến xe đến trung tâm TP, chỉ đạo các bến xe hỗ trợ cho các doanh nghiệp sớm ổn định hoạt động.

Bến xe Nước Ngầm cũng miễn phí 100% dịch vụ xe ra vào bến và các dịch vụ hỗ trợ khác trong nửa đầu tháng 1-2017 với các tuyến Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định; hỗ trợ 20% tiền dịch vụ xe ra vào bến hai tháng tiếp theo sau đó... Điều chỉnh tổ chức giao thông xung quanh bến xe Nước Ngầm...

UBND TP Hà Nội khẳng định: “Sau thời gian thực hiện điều chuyển luồng tuyến, tình hình an ninh trật tự, an toàn, ùn tắc giao thông trên tuyến vành đai 3 và bến xe Mỹ Đình đã cải thiện đáng kể, đa số doanh nghiệp chấp hành chủ trương”.

Về hướng giải quyết tiếp theo, TP cũng khẳng định sẽ tiếp tục điều chuyển 53 nốt còn lại của tuyến Ninh Bình về bến xe Nước Ngầm hoặc Giáp Bát. Tiếp tục điều chuyển tuyến Hà Nội - Ninh Bình theo đề nghị của Bộ GTVTi với 50 chuyến từ Mỹ Đình về Giáp Bát.

Ngoài ra, cơ cấu lại các tuyến thuộc các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa giữa hai bến Giáp Bát và Nước Ngầm theo nguyên tắc các tuyến của một tỉnh về một bến xe. Các tuyến cự ly ngắn về bến xe Giáp Bát, cự ly dài về bến Nước Ngầm.

TP cũng sẽ tổ chức lại giao thông khu vực bến Nước Ngầm và Mỹ Đình theo hướng một số phương tiện không được phép quay đầu tại điểm mở giải phân cách trên đường Ngọc Hồi. Đồng thời, lắp camera giám sát giao thông để xử lý vi phạm.

“Không có lợi ích nhóm”

Báo cáo Thủ tướng, UBND TP Hà Nội cho biết TP đã giải đáp hàng loạt kiến nghị của các đơn vị vận tải thuộc tỉnh Thanh Hóa gửi Văn phòng Chính phủ từ ngày 3-3-2017. Cụ thể:

Về kiến nghị các xe của tỉnh Thanh Hóa đi theo hành trình đường Hồ Chí Minh về bến Mỹ Đình không xuyên tâm nên không phải là nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông, tại sao lại điều chuyển về bến xe Yên Nghĩa. UBND TP cho rằng như vậy để đảm bảo công bằng cho tất cả các đơn vị vận tải của cùng một tỉnh.

Tổ công tác đã thống nhất đề nghị điều chuyển toàn bộ các tuyến này tại bến xe Mỹ Đình về bến xe khác phù hợp với tổ chức giao thông của TP. Cụ thể, các tuyến Mỹ Đình đi Thanh Hóa có hành trình theo quốc lộ 1 sẽ chuyển về bến Nước Ngầm; các xe đi tuyến Mỹ Đình - Thanh Hóa theo đường Hồ Chí Minh sẽ về bến xe Yên Nghĩa.

Về việc các doanh nghiệp cho rằng hạ tầng đoạn quốc lộ 6 từ bến xe Yên Nghĩa ra thị trấn Xuân Mai kém nên thường xuyên ùn tắc giao thông, Sở GTVT Hà Nội cho rằng trên tuyến này có 623 lượt xe khách/ngày, trong đó tuyến Thanh Hóa chỉ có 22 chuyến/ngày chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Thời gian tới Sở GTVT sẽ tiếp tục rà soát, duy tu tuyến này.

Riêng ý kiến việc kết nối bến Yên Nghĩa và Mỹ Đình và các trường học, bệnh viện còn hạn chế khiến người dân mất nhiều thời gian, tiền của, UBND TP Hà Nội cho rằng bến Yên Nghĩa có 11 tuyến xe buýt và buýt nhanh BRT, trong đó có 8 tuyến với gần 1.600 lượt xe/ngày đi các khu vực của thành phố và 8 tuyến thông qua với 352 lượt xe/ngày.

“Như vậy số lượng tuyến xe buýt kết nối từ bến xe Yên Nghĩa đi các khu vực của thành phố cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách” - báo cáo nêu.

Liên quan tới giá dịch vụ tại bến xe Yên Nghĩa cao gấp 3 lần bến xe Nước Ngầm, TP cho biết giá này được thu theo trong khung giá quy định của TP và trên cơ sở phương án sản xuất kinh doanh của từng bến.

Trong thời gian tới Sở GTVT sẽ phối hợp Sở Tài chính xây dựng khung giá dịch vụ phù hợp với điều kiện hiện nay.

Liên quan tới các kiến nghị của 5 doanh nghiệp vận tải tỉnh Thanh Hóa tại buổi đối thoại ngày 13-4-2017 với chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, TP Hà Nội cho biết ông Chung đã kết luận tất cả các nội dung.

Theo đó, chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp về việc bị xáo trộn khi điều chuyển, Chủ tịch TP khẳng định chủ trương này đã được nghiên cứu và lên phương án từ đầu năm 2016 và chuẩn bị kỹ trong một thời gian dài nhằm chống ùn tắc và không vì nhóm lợi ích nào...

Các tin khác