Theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Công ty May 10 Hà Nội, đợt dịch lần thứ 4 có nguy cơ ảnh hưởng lớn, sâu rộng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sức khỏe người lao động.
“Chúng tôi đã phải căng mình chống dịch, theo dõi sát tất cả các phòng ban, xây dựng tổ phòng chống COVID-19 tại công ty, vì khả năng lây nhiễm của biến chủng mới rất lớn".
Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Công ty May 10 gặp nhiều khó khăn bởi với quy mô nhiều lao động, nếu chỉ cần có 1 ca nhiễm cũng sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ dây chuyền và phải đóng cửa nhà máy.
Các biện pháp phòng dịch trước hết là xây dựng kịch bản chặt chẽ, nếu xảy ra dịch thì bảo vệ công nhân như thế nào, làm sao để duy trì chuỗi sản xuất, ổn định đời sống công nhân, đơn hàng và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Theo Tổng Giám đốc Công ty May 10 Hà Nội, các doanh nghiệp đánh giá rất cao chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các doanh nghiệp được hưởng lợi từ các chính sách hoãn và giãn đóng thuế thu nhập, thuế đất, chính sách tài khóa, hay hệ thống ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất.
Tuy nhiên, câu chuyện của năm 2021 rất khác so với năm 2020 bởi năm trước, khi bị ảnh hưởng bởi COVID-19, Công ty May 10 bị “chặt đứt” nguồn cung và cầu, do 90% sản phẩm của công ty là xuất khẩu tới thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Quý II/2020, Công ty May 10 phải dừng sản xuất do đối tác dừng đơn hàng, bị đọng vốn ở nguyên vật liệu và tiền lương lao động.
Năm nay, câu chuyện lại ngược lại khi có quá nhiều đơn hàng và làm không hết, cho thấy chỉ trong 1 năm mà diễn biến hết sức phức tạp. Hiện quy định chống dịch rất chặt chẽ, nhưng chưa tháo gỡ cho doanh nghiệp về cách thức cụ thể làm sao để doanh nghiệp vẫn sản xuất được trong bối cảnh chống dịch.
Ví dụ, việc thực hiện quy định yêu cầu 200 lao động F2, F3 ở nhà và kéo dài sẽ rất khó để công ty duy trì sản xuất khi thiếu nhân công, bởi may mặc làm theo thời vụ, tính theo ngày chứ không còn theo tuần.
Theo Công ty TNHH MTV Sài Gòn Co.op Hà Nội, trong đợt dịch này, lượng khách hàng vắng do chỉ thị giãn cách xã hội dẫn đến doanh thu giảm 30-40%.
Còn Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ Lan Chi cho biết cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm (đối với kênh phân phối, phát sinh chi phí thực hiện chống dịch, khó khăn tiếp cận chính sách hỗ trợ, lưu thông xe chở hàng trong khu vực nội thành cũng như ngoại tỉnh).
Công ty TNHH MTV Marfour cho biết, bên cạnh việc khó khăn tiếp cận các chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp cũng gặp biến động nhân sự, người lao động nghỉ việc nhiều vì làm việc trong môi trường tiếp xúc nhiều với khách hàng. Chi phí thuê mướn mặt bằng của các trung tâm thương mại chưa được hỗ trợ nhiều (chỉ giảm khoảng 10% cho 1-2 tháng)
Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực du lịch. Tính đến nay, số lượng doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa, dừng hoạt động ước tính khoảng 95%; đã có 267/1.191 doanh nghiệp lữ hành quốc tế thu hồi giấy phép và dừng hoạt động, 11/103 doanh nghiệp lữ hành nội địa rút giấy phép kinh doanh, số lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 90% tổng số lao động doanh nghiệp lữ hành, tương đương với 12.168 người; khoảng 750/3.587 cơ sở lưu trú du lịch tạm dừng hoạt động với khoảng 12.600 lao động tạm thời không có việc làm.
Việc phục hồi hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch sẽ còn mất một số năm nữa.
Tại hội nghị trực tuyến đối thoại với một số doanh nghiệp vận tải của Sở Giao thông vận tải mới diễn ra, đại diện Công ty CP Mai Linh miền Bắc cho biết, dịch COVID-19 khiến tỉ lệ hành khách di chuyển bằng xe taxi giảm mạnh. Đây là khó khăn chung của ngành vận tải hành khách trong bối cảnh đại dịch.
Kiến nghị, đề xuất biện pháp hỗ trợ các đơn vị vận tải trong mùa dịch bệnh là một trong 5 nhóm vấn đề được tổng hợp từ ý kiến của các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô với Sở Giao thông vận tải Thành phố.
Quyết liệt triển khai các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp
Tại phiên họp thường kỳ tháng 5/2021, Chính phủ đã quyết nghị tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, địa phương. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Hà Nội đã và đang thực hiện các mục tiêu nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi và dập dịch, đồng thời triển khai tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn đã chỉ đạo, để giảm vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, Văn phòng UBND Thành phố cần chủ trì rà soát TTHC có liên quan sản xuất, kinh doanh để ban hành các quyết định về rút ngắn TTHC, tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực; chuẩn bị tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19, tập trung tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi giải ngân vốn đầu tư công.
Thực hiện các chương trình tín dụng, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Hà Nội thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 64.071 khách hàng với dư nợ 86.654 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 165.139 khách hàng với dư nợ 316.703 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế đạt 830.582 tỷ đồng cho hơn 85.260 lượt khách hàng.
Dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn TP. Hà Nội như cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cho vay chính sách xã hội đều tăng. Dư nợ cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đạt 549.890 tỷ đồng.
Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (Hanoisme) Trịnh Thị Ngân cho biết, từ đầu năm đến nay, Hanoisme đã cố gắng tổ chức các chương trình xúc tiến thị trường để trợ giúp các doanh nghiệp, kết nối 20 doanh nghiệp tìm hiểu các ngành nghề của nhau để liên kết hợp tác; tổ chúc hội thảo "Chuyển đổi số đi từ quản lý công việc trong doanh nghiệp vừa và nhỏ để làm rõ lợi ích của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo bà Ngân, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá, trong bối cảnh dịch COVID-19, Chính phủ, TP. Hà Nội đã có phản ứng rất nhanh nhạy, với các chính sách toàn diện về tài khóa, tiền tệ, bảo hiểm… Song, dù các chính sách hỗ trợ được đánh giá là hữu ích, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa từ chủ trương tới triển khai thực tế, đòi hỏi cần có các giải pháp nhanh hơn đi vào cuộc sống.
Khắc phục hậu quả từ dịch COVID-19, hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ đã có các chính sách tiền tệ, tài khóa, an sinh xã hội… Đặc biệt, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua nghị quyết cắt giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm để thực hiện giảm trong năm 2020.
Đây là hệ thống các gói giải pháp, chính sách khá đồng bộ, chưa từng có ở Việt Nam. Các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ trong bối cảnh COVID-19 được các doanh nghiệp đánh giá cao, nhất là các chính sách tài khóa như việc giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng.
Theo bà Trịnh Thị Ngân, dịch COVID-19 đã gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, là cầu nối, Hanoisme đề xuất Chính phủ, Hà Nội với cơ chế đặc thù cho giảm thuế đất hằng năm phải nộp là 6 tháng năm 2021, để bù đắp cho doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, kinh doanh những tháng của năm 2020-2021.
Đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành, TP. Hà Nội rà soát, loại bỏ các thủ tục để doanh nghiệp hiểu và làm ngay, nhằm tạo điều kiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhất là trong lĩnh vực đất đai, mặt bằng sản xuất, tạo cơ hội cho doanh nghiệp có điều kiện tăng quy mô sản xuất, thời gian kéo quá dài 2-3 năm mất đi cơ hội của doanh nghiệp.