Hà Nội nhận trách nhiệm sai phạm của Mường Thanh

(ĐTTCO) - Trong các số báo ra giữa tháng 7, ĐTTC đã đăng loạt bài “Tập đoàn Mường Thanh sai phạm nối tiếp sai phạm”, điều tra về những vi phạm nghiêm trọng trong trật tự xây dựng tại nhiều dự án trên cả nước của tập đoàn này.

 Ngay sau đó Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và bước đầu có kết luận về một số sai phạm của Mương Thanh và các công ty con tập đoàn này. Ngày 16-8, tại kỳ họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu đã chất vấn về trách nhiệm của Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội về sai phạm của Mường Thanh.

Cụ thể, các đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà về nhóm vấn đề: công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị; việc hướng dẫn, kiểm tra, quản lý sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoạch phát triển gắn với giao thông đô thị. Trong đó, đề cập tới sai phạm, xử lý công trình xây dựng trái phép của Tập đoàn Mường Thanh tại khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội), đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh, đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng Xây dựng và Chủ tịch UBND TP Hà Nội trong chỉ đạo xử lý, khi cho rằng có phải do buông lỏng quản lý, lợi ích nhóm đã để xảy ra tình trạng các công trình xây dựng trái phép như của Tập đoàn Mường Thanh, khiến khu đô thị Linh Đàm từ khu đô thị kiểu mẫu trở thành nơi nhếch nhác, đời sống người dân không đảm bảo?

Trả lời nội dung này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định giấy phép đầu tư các khu đô thị, chung cư trên địa bàn TP đều được cấp phép theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, thực tế triển khai dự án một số chủ đầu đã vi phạm mật độ quy hoạch chi tiết. Thí dụ, khu đô thị Đại Thanh của chủ đầu tư Mường Thanh đã vi phạm quy hoạch mật độ xây dựng, chiều cao công trình. Ông Chung cũng nhận trách nhiệm để xảy ra tình trạng này do trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo TP đã thiếu giám sát, kiểm tra của lực lượng thanh tra chuyên ngành; chủ đầu tư lại cố tình vi phạm mật độ xây dựng chi tiết. Về biện pháp khắc phục, ông Chung cho biết Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, thanh tra các bộ, ngành tổ chức thanh tra kiểm tra sai phạm tại số dự án này. 

Dự án VP6 Linh Đàm. 
Còn theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, riêng sai phạm của Mường Thanh tại khu đô thị Linh Đàm, bộ đã thanh tra sai phạm của tập đoàn này, nhưng xử lý sai phạm sâu hơn lại thuộc về trách nhiệm của UBND TP Hà Nội và hiện Hà Nội đang thực hiện. Về vấn đề quy hoạch nói chung, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận quy hoạch đô thị hiện nay có những hạn chế, thực hiện chưa đúng chức trách nên dẫn tới việc sử dụng đất không hiệu quả, lấn chiếm đất vào các mục đích khác nhau… Dù về cơ bản không có trục lợi nhưng ở một số bộ phận, đơn vị có tình trạng này.
Sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ có những quy định quản lý để xử lý các vi phạm hành chính về lĩnh vực này mạnh mẽ hơn, có các công cụ kiểm soát tốt hơn, chế tài có sức răn đe hơn.

Xung quanh việc xử lý phần sai phạm công trình 8B Lê Trực (Hà Nội), ông Chung nhận trách nhiệm chậm xử lý phần sai phạm tại công trình này. Theo ông Chung, Hà Nội đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng trong xử lý sai phạm tại nhà 8B Lê Trực và đến nay đã hoàn thành xử lý giai đoạn 1 là cắt ngọn tầng 19.
Tuy nhiên, ở giai đoạn 2, do phải xử lý công trình theo đúng giấy phép, TP Hà Nội và chủ đầu tư đang trình Bộ Xây dựng phương án kỹ thuật xem có đảm bảo an toàn hay không. Việc chậm xử lý là do đặt vấn đề an toàn cho tòa nhà, cho người dân sẽ đến ở. Còn theo ông Hà trong tháng 8 này Bộ Xây dựng sẽ có ý kiến chính thức về phương án phá dỡ giai đoạn 2 phần sai phạm công trình 8B Lê Trực.

Chống ùn tắc nhưng khó nguồn lực


Dân số TP có khoảng hơn 8 triệu người nhưng thực tế con số này đã là 13 triệu người, trong khi dự báo dân số TP đến năm 2025 là 10 triệu người. Mỗi năm có 30.000 phương tiện đăng ký mới, 130.000 người đến TP cư trú, trong khi diện tích đường không tăng. Ùn tắc giao thông tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế của TPHCM.

Cũng theo Chủ tịch UBND TPHCM, chống ùn tắc chỉ có thể giải quyết bằng phát triển mạnh giao thông công cộng nhưng cái khó lại là nguồn lực. Hiện TPHCM đang phát triển 8 tuyến metro, vốn chủ yếu là ODA và PPP vì vốn ngân sách không đủ khả năng, nhưng riêng tuyến metro số 1 dùng vốn vay ODA của Nhật Bản cũng đang tắc. Cùng với việc phát triển giao thông công cộng, ông Phong cũng khẳng định TP nhất quyết “không mềm lòng, không cho nhập cư gia tăng thêm vì nén dân số, nén đô thị phải đồng bộ với giao thông công cộng chứ không nhất quyết sẽ gây ùn tắc giao thông”.

Giải trình thêm, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết TPHCM giao thông kết nối với bên ngoài rất khó khăn vì không có các đường vành đai. Hà Nội làm xong được vành đai III, giải quyết được ách tắc cửa ngõ lại ùn ứ trong nội đô. Những giải pháp tổ chức giao thông tại 2 TP chỉ triển khai trong không gian rất hạn chế, khó tạo hiệu quả đột phá. Cũng theo ông Đông, việc thúc đẩy các biện pháp phát triển hạ tầng là quan trọng nhưng gút mắc nhất là vấn đề nguồn lực. Do đó phải khai thác từ quỹ đất, đấu giá đất để có nguồn lực làm đường, huy động mức đóng phí… nếu không sẽ không thể giải quyết được vấn đề.
Hà My

Các tin khác